Kế hoạch 4743/KH-UBND năm 2024 phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030

Số hiệu 4743/KH-UBND
Ngày ban hành 12/06/2024
Ngày có hiệu lực 12/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4743/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Tờ trình số 86/TTr-SNN ngày 31/5/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm từ hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản để tái sản xuất, sử dụng, giảm thiểu các yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất, kết nối bền vững, khép kín chuỗi giá trị nông sản, tạo ra giá trị gia tăng, giảm lượng chất thải ra môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

a) Lĩnh vực trồng trọt: Giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và 5% lượng phụ phẩm, chất thải phát sinh từ sản xuất trồng trọt. Có 95% phụ phẩm, chất thải trồng trọt được thu gom, xử lý theo quy định trong đó 70% được thu gom, tái sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

b) Lĩnh vực chăn nuôi: Giảm 5% lượng thức ăn chăn nuôi và 3% lượng thuốc thú y sử dụng trong chăn nuôi/đơn vị sản phẩm; giảm 10% lượng chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Có trên 80% chất thải chăn nuôi trong nông hộ và 100% trang trại được thu gom, xử lý theo quy định trong đó có 60% chất thải chăn nuôi trong nông hộ và 90% chất thải trang trại được thu gom, tái sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

c) Lĩnh vực sơ chế, chế biến: 90% chất thải từ quá trình sơ chế, chế biến nông sản, phế phụ phẩm sau giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm được thu gom, xử lý trong đó có 70% chất thải được thu gom, tái sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

d) Hàng năm mỗi huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 01 mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Hiệu quả kinh tế các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tăng từ 10-20% so với sản xuất truyền thống.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn:

a) Tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, cơ chế chính sách, quan điểm, mục tiêu, tầm quan trọng, lợi ích của việc phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cho các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân nhằm chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống phụ thuộc các yếu tố đầu vào, chưa quan tâm đến nguồn phụ phẩm và môi trường sang sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững gắn với nhu cầu thị trường.

b) Xây dựng các phóng sự, tin bài, chuyên mục khuyến nông để giới thiệu quy trình, công nghệ, các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.

c) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các buổi tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu, chuyển giao công nghệ, bàn giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

2. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn:

a) Xây dựng, nhân rộng các mô hình tuần hoàn trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản lĩnh vực trồng trọt để tái sử dụng hiệu quả phụ phẩm cây trồng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, than sinh học (biochar), nhiên liệu, vật liệu che phủ, giá thể... Hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới thu hồi, xử lý tái sử dụng nước tưới, dinh dưỡng và tuần hoàn nguyên vật liệu, năng lượng trong canh tác để giảm lượng chất thải, chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

b) Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất tuần hoàn trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để tái sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm nhiên liệu khí sinh học (biogas); sản xuất phân bón hữu cơ; nuôi côn trùng, sinh vật có ích lấy sản phẩm làm thức ăn chăn nuôi, phân bón sử dụng cho trồng trọt...Thực hiện các mô hình tuần hoàn thủy sản (nguồn nước, không chất thải); mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi trang trại, xử lý chất thải tái sử dụng cho trồng trọt.

c) Nghiên cứu, phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm tái sử dụng hiệu quả phụ phẩm của ngành này là đầu vào của ngành kia và ngược lại góp phần nâng cao giá trị, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và kết nối bền vững sản xuất trồng trọt với chăn nuôi, thủy sản.

d) Xây dựng, phát triển các mô hình tiết chế hóa, hạn chế và giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, thủy sản (giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng); các mô hình kinh tế tuần hoàn tiết kiệm nước tưới, năng lượng và tài nguyên trong trồng trọt, chăn nuôi để gia tăng hiệu quả sản xuất, giảm lượng phát thải, khí thải.

3. Xây dựng các quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn:

Xây dựng 10 quy trình kỹ thuật hướng dẫn thu hồi, xử lý, tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt làm phân bón hữu cơ, than sinh học, thức ăn chăn nuôi, chất đốt...; quy trình thu gom, xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, sản xuất nhiên liệu khí sinh học...; quy trình nuôi côn trùng, sinh vật có ích; chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; các quy trình sản xuất tuần hoàn khép kín.

4. Đào tạo tập huấn về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn:

a) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho lực lượng cán bộ quản lý ngành nông nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện về kỹ thuật, quy trình, công nghệ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao cho doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân có nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

b) Thực hiện tập huấn, đào tạo chuyển giao quy trình công nghệ về thu hồi, xử lý, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, cách tiếp cận thị trường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất tuần hoàn.

[...]