Kế hoạch 4657/KH-UBND năm 2016 kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 4657/KH-UBND
Ngày ban hành 12/12/2016
Ngày có hiệu lực 12/12/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4657/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 12 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH DẬU NĂM 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến; góp phần phát triển sản xuất, bình ổn thị trường, mở rộng lưu thông hàng hóa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

b) Tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm… Chú ý các mặt hàng như pháo nổ, văn hóa phẩm độc hại, tài liệu có nội dung xấu, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã và các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

c) Qua kiểm tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước.

2. Yêu cầu:

a) Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

b) Hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; khi tiến hành kiểm tra phải có căn cứ, bảo đảm khách quan, công bằng, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

c) Không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm tra giữa các cơ quan, lực lượng có chức năng kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

d) Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phải đáp ứng đúng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình nhằm tham mưu công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đúng pháp luật và có hiệu quả.

đ) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan chức năng các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

e) Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN VÀ THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thương mại gồm:

- Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm: kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh và hàng giả; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về xúc tiến thương mại, quy định về ghi nhãn hàng hoá, an toàn thực phẩm, quy định về đo lường và chất lượng hàng hóa.

b) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giá:

Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình ổn giá; chấp hành giá, đăng ký giá, kê khai giá; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận về giá, tăng giá, giảm giá, định giá bất hợp lý…

c) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm:

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; các quy định về quảng cáo, khuyến mãi, thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm; quy định về kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

2. Đối tượng kiểm tra:

Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân là người nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; chú trọng kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, các kho chứa hàng, điểm tập kết, nơi cung cấp, phân phối hàng nhập lậu; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

[...]