Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 05/02/2024
Ngày có hiệu lực 05/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 05 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC THI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” (sau đây gọi là Quyết định số 1400/QĐ-TTg); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động theo đúng quan điểm chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg.

b) Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải có trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Sự chủ động trong việc nâng cao hiểu biết và tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động là điều kiện cần và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên[1]. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ góp phần thực thi các cam kết quốc tế về lao động nói chung, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản nói riêng[2], là yếu tố trợ lực có ý nghĩa rất lớn để việc tận dụng các cam kết hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam được hiệu quả, an toàn và bền vững.

d) Đổi mới, đa dạng các phương thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo phương châm linh hoạt, sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội; đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng; phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội, khả năng, ưu thế của các loại hình thông tin để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.

2. Yêu cầu

a) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tuân thủ, thực thi các cam kết quốc tế về lao động nói chung và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản nói riêng trên địa bàn tỉnh.

b) Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch này; xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp, quan hệ lao động.

c) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến có chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Đổi mới toàn diện công tác phổ biến giáo dục pháp luật tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

b) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến có chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao thứ hạng về môi trường kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đảm bảo trên 90% doanh nghiệp được tổ chức phổ biến, thông tin kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trước và sau khi được ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

b) Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về lao động, quan hệ lao động và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động và người sử dụng lao động được tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.

c) Hằng năm, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ có kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin về chính sách pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của cơ quan, đạt ít nhất 02 cuộc/năm.

d) Đảm bảo 100% các câu hỏi và đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động của người lao động và người sử dụng lao động được tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh mới thực thi các cam kết quốc tế về lao động

a) Khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; khảo sát đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Nội dung:

+ Khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh mới thực thi các cam kết quốc tế về lao động; thực trạng năng lực và những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động.

+ Xây dựng kế hoạch chi tiết bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

[...]