Kế hoạch 314/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 314/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2023
Ngày có hiệu lực 22/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 314/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC THI CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2023-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030”; theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 3692/LĐTBXH-CSLĐ ngày 15/12/2023 và ý kiến đồng ý của các thành viên UBND tỉnh (văn bản xin ý kiến số 4403/VPUBND-VHXH ngày 19/12/2023 của Văn phòng UBND); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, thực hiện hiệu quả Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây viết tắt là PBGDPL) cho người lao động và người sử dụng lao động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về lao động, các công ước quốc tế về lao động.

- Tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ góp phần thực thi các cam kết quốc tế về lao động nói chung, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản nói riêng; chủ động trong việc nâng cao hiểu biết và tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp có thể hiện thực hoá các lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.

2. Yêu cầu

- Quá trình triển khai thực hiện phải đúng yêu cầu của Chỉ thị số 32- CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra theo lộ trình.

- Các hoạt động PBGDPL phải có trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và từng địa bàn.

- Đổi mới, đa dạng các phương thức tổ chức PBGDPL theo phương châm linh hoạt, sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội; đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng; phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội, khả năng, ưu thế của các loại hình thông tin để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

- Phân công, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong tình hình thực tế của tỉnh và địa phương; tránh chồng chéo, trùng lặp.

- Trong quá trình thực hiện, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo theo Kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác PBGDPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL.

b) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác PBGDPL cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến có chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Quảng Ninh, nâng cao thứ hạng của Quảng Ninh về môi trường kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Đảm bảo 90% - 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tổ chức phổ biến, thông tin kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trước và sau khi được ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

b) Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về lao động, quan hệ lao động và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác; cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động và người sử dụng lao động được tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.

c) Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức của địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách pháp luật lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, ít nhất 02 cuộc.

d) Đảm bảo 90% - 100% các câu hỏi và đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động của người lao động và người sử dụng lao động được tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời.

đ) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen tìm hiểu và thực hiện pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là pháp luật về quan hệ lao động, lao động đặc thù liên quan đến việc thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; phòng chống lao động cưỡng bức; xoá bỏ lao động trẻ em...

e) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; xây dựng hệ sinh thái về PBGDPL cho doanh nghiệp.

g) Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và tỉnh; giữa tỉnh với huyện; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp trong việc PBGDPL cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp, quan hệ lao động; triển khai các giải pháp xã hội hoá công tác PBGDPL cho doanh nghiệp.

III. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Nội dung

[...]