Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4464/KH-UBND năm 2023 về phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông để xử lý theo quy định của pháp luật do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 4464/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2023
Ngày có hiệu lực 16/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Đoàn Anh Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4464/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 16 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA PHÁT HIỆN, CUNG CẤP CÁC THÔNG TIN, HÌNH ẢNH PHẢN ÁNH VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỂ XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông” như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và công an các địa phương; tại địa bàn khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông để Nhân dân biết, ghi nhận và cung cấp thông tin, hình ảnh được chính xác, khách quan.

1.2. Phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

1.3. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành về pháp luật giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân.

2. Yêu cầu

2.1. Huy động sự vào cuộc tổng thể, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tự ý thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

2.2. Thông tin phản ánh của Nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải bảo đảm tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định pháp luật và được tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa xã hội; qua đó, vận động Nhân dân ủng hộ, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2.3. Bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích bằng hình thức phù hợp; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực hoặc làm ảnh hưởng xấu đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Phong trào được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Đối tượng: Toàn thể quần chúng nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai

- Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn xã hội, các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân nhằm đẩy mạnh thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là: Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025”; Quyết định số 2060/QĐ- TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

- Quá trình triển khai cần kết hợp chặt chẽ giữa phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông” với phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước và của các cấp bộ, ngành trung ương.

2. Công tác tuyên truyền, vận động: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến địa bàn cơ sở gắn với vận động đông đảo quần chúng Nhân dân trong quá trình tham gia giao thông chủ động phát hiện, ghi nhận, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

2.1. Nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động:

- Để việc thu thập, cung cấp thông tin đảm bảo chính xác, khách quan, có cơ sở, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông...

- Vận động quần chúng nhân dân trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh cụ thể như sau:

+ Về các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; vượt đèn đỏ; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; đi vào làn dừng phương tiện khẩn cấp của đường cao tốc; điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...;

+ Về phương pháp ghi nhận các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm: (1) Nội dung hành vi vi phạm; (2) Quay video clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm (sử dụng phương tiện kỹ thuật, thiết bị thông minh của cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại, camera hành trình...); (3) Thời gian phát hiện (ngày, giờ); (4) Tuyến đường, địa điểm xảy ra vi phạm (tên đường, vị trí nút giao, số kilomet theo mốc lộ giới, số nhà...; địa bàn hành chính cấp huyện, xã); (5) Biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện (chủng loại xe, màu sơn...); (6) Chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi cụ thể;

+ Sau khi ghi nhận được đầy đủ thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh (đồng thời cung cấp thông tin về tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người phản ánh. Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với danh tính của người cung cấp tin) trực tiếp với Công an tỉnh (qua các kênh tương tác trực tuyến như: Số điện thoại của Phòng Cảnh sát giao thông: 0693.428.121, tài khoản Zalo “Phòng CSGT Bình Thuận”...).

2.2. Biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động

- Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội: Zalo, Facebook,...; Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

[...]