ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 775/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 17
tháng 10 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
ĐỘNG VÀ XÂY DỰNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA PHÁT HIỆN, CUNG CẤP CÁC THÔNG
TIN, HÌNH ẢNH PHẢN ÁNH VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao
thông (viết tắt là TTATGT) trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, bảo đảm an
toàn; vi phạm pháp luật về TTATGT đã được tập trung xử lý và có nhiều chuyển biến
tích cực, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, xe ô tô chở quá khổ, quá tải, cơi
nới thành thùng, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của
đèn tín hiệu giao thông, đây là những hành vi vi phạm được dư luận xã hội quan
tâm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông,
gây ảnh hưởng đến kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ. Để đạt được những kết
quả nêu trên, có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị các
cấp, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân trong bảo đảm
TTATGT, tự giác, trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, cung cấp,
phản ánh các thông tin, tài liệu, làm cơ sở, căn cứ để xử lý nghiêm minh các
hành vi vi phạm.
Để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân
dân tích cực tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gắn với
tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày
19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ
trong tình hình mới, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động và xây dựng phong
trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi
phạm hành chính về TTATGT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo
đảm TTATGT; mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực
với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT; phát huy vai trò dân chủ
trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và bảo đảm TTATGT nói riêng,
tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm
TTATGT.
- Huy động sự vào cuộc và nâng cao trách nhiệm của
các sở, ngành, chính quyền địa phương và Nhân dân trong công tác bảo đảm
TTATGT; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tự giác, trách nhiệm trong
chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và chủ động phát hiện, cung cấp thông
tin, tài liệu phản ánh các vi phạm TTATGT là tác nhân gây ùn tắc giao thông,
tai nạn giao thông, hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường... để cung cấp
cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu
- Thông tin phản ánh, cung cấp của Nhân dân về vi
phạm TTATGT phải có cơ sở pháp lý. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết
thông tin phản ánh phải bảo đảm kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định
pháp luật; đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ứng răn đe, phòng
ngừa xã hội, qua đó, vận động Nhân dân ủng hộ, tích cực phối hợp với các lực lượng
chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.
- Bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người
cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về TTATGT; kịp thời động viên,
khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt
động phong trào; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi
dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực hoặc gây
ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, cá
nhân liên quan.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi: Phong trào "Toàn dân tham
gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về
trật tự, an toàn giao thông" được triển khai trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh
Nghệ An.
2. Đối tượng: Toàn thể Nhân dân, các cơ
quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội,
xã hội nghề nghiệp.
III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động
- Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về phương
pháp nhận biết các hành vi vi phạm về TTATGT để việc thu thập, cung cấp thông
tin đảm bảo chính xác, khách quan, có cơ sở, tập trung vào các hành vi là
nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ
tầng giao thông, ô nhiễm môi trường được dư luận xã hội quan tâm, trọng tâm là:
Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định;
xe ô tô chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe
đi vào đường cấm, đi ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu
giao thông; dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định; điều khiển xe đánh võng, lạng
lách gây mất TTATGT... (có Hướng dẫn gửi kèm theo).
- Tuyên truyền, vận động Nhân dân trên cơ sở nhận
diện các hành vi vi phạm TTATGT, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài
liệu phản ánh về các hành vi vi phạm TTATGT bằng cách thức sau:
+ Ghi nhận đầy đủ thông tin về: (1) Nội dung hành
vi vi phạm; video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm (được ghi nhận bằng
camera, máy ảnh, điện thoại thông minh, camera hành trình của tổ chức, cá
nhân...); (2) Thời gian phát hiện (ngày, giờ phát hiện vi phạm); (3)
Tuyến đường xảy ra vi phạm (tên đường, vị trí nút giao, số km theo mốc lộ giới,
số nhà...); (4) Biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện (chủng loại xe,
màu sơn...); (5) Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện (nếu xác
định được) và các thông tin khác có liên quan đến vi phạm cụ thể.
+ Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin về hành vi
vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh
sát giao thông hoặc Công an các huyện, thành phố, thị xã nơi xảy ra hành vi vi
phạm. Nội dung, tài liệu phản ảnh gửi trực tiếp đến địa chỉ cơ quan hoặc qua đường
dây nóng) để tiếp nhận, xử lý tin; đồng thời, cung cấp thông tin về tên tuổi,
số Căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp (để
đảm bảo tính chính danh; Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với
danh tính của người cung cấp thông tin) để phục vụ công tác thông tin, phản
hồi (nếu cần thiết).
2. Biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động
- Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại
chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, các phương tiện thông tin đại chúng,
mạng xã hội: Zalo, Facebook,...; Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin
điện tử của Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành
phố, thị xã. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền các chuyên mục
về giao thông đô thị, an toàn giao thông trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Nghệ An... bằng các hình thức, phương thức đa dạng và hiệu quả; tiến hành
công bố các vi phạm nghiêm trọng, phức tạp hoặc các hành vi tái phạm trên các
phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
- Niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận giải quyết
thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức
và khu dân cư; in, dán logo, mã QR trên các phương tiện giao thông công cộng.
- Tuyên truyền trực tiếp tại các buổi tuyên truyền,
hội thảo, tọa đàm...; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt
của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, câu lạc bộ tại các khu dân cư, tổ dân
phố; công tác nắm, quản lý địa bàn của lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an
xã...
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên
tiến trong công tác bảo đảm TTATGT gắn với việc phát động phong trào.
- Tổ chức tuyên truyền qua các hình thức như: Treo
băng rôn, hình ảnh, pa nô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tài liệu khuyến
cáo, cẩm nang, phóng sự, video clip tuyên truyền về TTATGT và có nội dung hướng
dẫn người dân nhận biết dấu hiệu của các hành vi vi phạm TTATGT.
4. Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh
Công an tỉnh là đầu mối thực hiện công tác tiếp nhận,
xử lý, phản hồi thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân cung cấp về các
hành vi vi phạm TTATGT, trong đó:
- Sau khi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh của
người dân cung cấp về các hành vi vi phạm, Công an tỉnh có trách nhiệm thực hiện
đầy đủ các trình tự về tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy định tại Nghị định
số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng
phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu
thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát
hiện vi phạm hành chính; Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06/4/2022 của Bộ Công
an sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quản lý nhà nước về an ninh,
trật tự, an toàn xã hội; Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 quy định về
nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử
lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí tuyên
truyền kết quả xử lý rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã
hội để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời phản hồi kết quả xử lý (đối
với nguồn cung cấp thông tin đảm bảo xác định chính xác được danh tính); xử
lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để
cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.
- Chỉ đạo lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp
theo quy định của pháp luật để giữ bí mật về thông tin của người phản ánh, cung
cấp thông tin, tài liệu; áp dụng biện pháp theo quy định pháp luật để ngăn chặn,
xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản,
danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu.
III. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Thời gian: Kế hoạch phát động và xây dựng
phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản
ánh các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT trên địa bàn tỉnh được triển khai,
thực hiện kể từ ngày ký.
2. Kinh phí: Kinh phí đảm bảo cho việc thực
hiện Kế hoạch phát động phong trào của các đơn vị (thuộc cấp ngân sách nào
do ngân sách đó chi trả), đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành và được
bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Các sở, ngành cấp tỉnh: Căn cứ chức năng,
nhiệm vụ để phát động và xây dựng phong trào trong cơ quan, đơn vị để tuyên
truyền, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người
thân, gia đình và quần chúng nhân dân chấp hành quy định pháp luật về trật tự,
an toàn giao thông, tích cực tham gia phong trào phát hiện, cung cấp các thông
tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT cho các lực lượng
chức năng; có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có
thành tích xuất sắc; xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
vi phạm theo quy định.
2. Công an tỉnh
- Là cơ quan thường trực theo dõi, hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Chỉ đạo
lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát khu vực, Công an xã
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; vận động người dân tích cực
tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh
phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT”, chủ động phát hiện, phản ánh về các hành
vi vi phạm hành chính về TTATGT, hướng dẫn việc nhận biết dấu hiệu của các hành
vi vi phạm (bằng giải thích trực tiếp và minh họa trực quan qua tờ rơi, phiếu
tuyên truyền), cách thức thu thập, cung cấp để việc kiến nghị, phản ánh đảm
bảo khách quan, chính xác, đầy đủ, có giá trị và cơ sở pháp lý.
- Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực kịp thời
tiếp nhận, xử lý thông tin; phối hợp, chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng
xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định (hoặc chuyển giao cho Sở Giao
thông vận tải, đơn vị liên quan để xử lý theo chức năng, thẩm quyền); chủ
trì xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin; bảo đảm bí mật về thông tin,
danh tính của người phản ánh, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp
theo quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại
đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp
thông tin.
- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phản hồi kết quả
kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm qua phản ánh của Nhân dân; tổ chức điều
tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi
dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham
mưu UBND tỉnh hoặc đề xuất Bộ Công an khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc nổi bật trong thực hiện phong trào theo quy định; khen
thưởng theo thẩm quyền cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong
phong trào.
3. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; vận động
người dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp
các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT”.
- Tiếp nhận các phản ánh của Nhân dân cung cấp
thông tin về các hành vi vi phạm (theo đề nghị của Công an tỉnh), chỉ đạo
kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm theo chức năng, thẩm quyền; phản hồi kết quả xử
lý cho Công an tỉnh; phối hợp tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng
theo quy định.
4. Thường trực Ban An toàn giao thông: Chủ
trì hướng dẫn công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT theo chủ đề của từng năm gắn
với việc xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông
tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT” trên địa bàn tỉnh
Nghệ An; phối hợp tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định.
5. Sở Tư pháp: Phối hợp với Công an tỉnh
theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh
Nghệ An.
6. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh
thẩm định dự toán và tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Kế hoạch
theo khả năng cân đối ngân sách địa phương và các quy định hiện hành.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các
cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tăng cường
công tác thông tin tuyên truyền về phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện,
cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành chính về
TTATGT” để Nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, tích cực tham gia; biểu dương gương
người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm TTATGT, phản ánh các hành vi vi phạm
về TTATGT; phê phán các hành vi cố ý vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh
Nghệ An.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Biên soạn tài liệu lồng ghép kiến thức và kỹ năng
tham gia giao thông an toàn vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa
trong các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.
- Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh trong công
tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT cho lãnh đạo
các đơn vị, cán bộ, giáo viên, học sinh và sinh viên các cơ sở giáo dục trên
toàn địa bàn tỉnh.
- Khai thác, sử dụng tài liệu lồng ghép kiến thức
và kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào chương trình giảng dạy, các hoạt động
ngoại khóa của nhà trường phù hợp với từng ngành học, cấp học.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ
An: Tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phổ biến,
giáo dục pháp luật về TTATGT và phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp
các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT”.
Tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, bài viết để tuyên truyền, phổ biến pháp
luật và kiến thức về TTATGT, lồng ghép với nội dung tuyên truyền, vận động Nhân
dân tích cực phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, phản ánh, cung cấp các
hành vi vi phạm hành chính về TTATGT; kết quả công tác xử lý vi phạm của lực lượng
chức năng sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh.
10. Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức thành viên: Phát động và xây dựng phong trào trong cơ quan,
đơn vị để tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn
viên, hội viên, người lao động, người thân, gia đình và Nhân dân chấp hành quy
định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tích cực tham gia phong trào
phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành
chính về TTATGT cho các lực lượng chức năng; có hình thức biểu dương, khen thưởng
đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý đối với cán bộ, công chức,
viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động vi phạm theo quy định.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Ban hành Kế hoạch phát động và xây dựng phong
trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh
các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT”; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn
có kế hoạch thực hiện đến cấp cơ sở, các khu dân cư, tổ dân phố, các cơ quan,
doanh nghiệp, cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.
- Hằng năm tổ chức sơ kết thực hiện phong trào
“Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh các
hành vi vi phạm hành chính về TTATGT” trên địa bàn theo phân cấp, đồng thời đề
xuất các cấp khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trên địa bàn có thành tích xuất
sắc trong thực hiện phong trào và công tác bảo đảm TTATGT.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố,
thị xã ban hành Kế hoạch phát động và xây dựng phong trào toàn dân tham gia
phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm hành
chính về TTATGT và gửi về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, theo dõi; định
kỳ 6 tháng, 01 năm sơ kết kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh)
theo quy định.
2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp đơn vị
liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế
hoạch này; định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công an kết quả triển khai thực hiện
theo quy định.
Yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện,
thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc./.
Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Cục Cảnh sát giao thông - BCA;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VTUB, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Vinh
|
HƯỚNG DẪN
NHẬN
DIỆN MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG
(Kèm theo Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 17/10/2023)
1. Xe ô tô khách chở quá số người quy định:
trên xe ô tô (nhất là xe khách) có số người trên xe vượt quá số người được
phép theo quy định áp dụng đối với loại xe đó (quá từ 02 người trở lên trên
xe đến 9 chỗ; quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; quá từ 04
người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; chở quá từ 05 người trở lên trên xe
trên 30 chỗ) (đối chiếu theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của
Chính phủ).
2. Xe ô tô tải chở hàng quá khổ (chiều
cao, chiều dài, chiều rộng của thùng xe), quá tải, tự ý cải tạo, hoán cải
phương tiện (“cơi nới” thành thùng) chở vật liệu để rơi vãi, gồm:
2.1. Chở hàng quá khổ (được quy định cụ thể tại
Điều 18, Điều 19 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ Giao thông
vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải
trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu
trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ
khi tham gia giao thông trên đường bộ), cụ thể:
- Quá chiều cao:
+ Đối với xe tải thùng hở có mui: vi phạm chở quá
khổ giới hạn là chiều cao xếp hàng hóa vượt quá giới hạn trong phạm vi thùng xe
theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt.
+ Đối với xe tải thùng hở không mui: vi phạm chở
quá khổ giới hạn là chiều cao xếp hàng hóa vượt quá chiều cao của thùng xe (theo
thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt) theo quy định như sau: vượt quá 4,2 mét (chiều cao xếp
hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên) đối với xe có
khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên; vượt quá 3,5 mét (chiều cao
xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên) đối với
xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn; vượt quá 2,8
mét (chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở
lên) đối với xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn; vượt quá
4,35 mét (chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy
trở lên) đối với xe chuyên dùng, xe chở container.
+ Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như
đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp
hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe.
- Quá chiều dài: Chiều dài xếp hàng hóa lớn hơn 1,1
lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế
cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét.
- Quá chiều rộng: Vượt quá chiều rộng của thùng xe
theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt.
2.2. Chở hàng quá tải: trường hợp các xe ô tô tải
chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát sỏi...) chở cao hơn phần thành thùng
xe... là có dấu hiệu vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép; hoặc các xe
ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe lớn hơn trọng tải cho phép trên đoạn đường có
gắn biển P.115 “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe” vi phạm quá tải trọng cho phép của
cầu, đường.
2.3. Tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện (“cơi nới”
thành thùng), các xe tải có phần thành dọc theo chiều dài xe cao hơn điểm
cao nhất của đầu xe; có các vết hàn gia cố ở thành thùng xe và chạy dọc theo phần
thành xe, đuôi xe; xe có lắp thêm phần “bạt cánh” có khớp xoay gắn cố định chạy
dọc theo thành thùng xe (có thể nâng lên khi chở hàng để be chắn hàng hóa)...
là có dấu hiệu vi phạm “cơi nới” thành thùng xe.
2.4. Chở vật liệu để rơi vãi: các xe ô tô tải chở vật
liệu xây dựng (đất, đá, cát sỏi...), hóa chất, chất thải trên thùng hở
không có mui, bạt để che đậy, để rơi, vãi vật liệu, chảy nước thải, hóa chất xuống
mặt đường.
3. Xe ô tô đi vào đường cấm, ngược chiều: xe
ô tô đi vào đường có biển báo cấm theo loại phương tiện hoặc cấm đi ngược chiều
được quy định tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 do Bộ
Giao thông vận tải ban hành, gồm: Biển số P.102 “Cấm đi ngược chiều”; Biển số
P.103a “Cấm ô tô”; Biển số P.105 “Cấm ô tô và mô tô”; Hệ biển số P.106 “cấm xe
ô tô tải”; Biển số P.107 “Cấm xe ô tô khách và xe ô tô tải”; Biển số P.107a “Cấm
xe ô tô khách”; Biển số P.107b “Cấm xe ô tô taxi”; Biển số P.108 “Cấm xe kéo
rơ-moóc”; Biển số P.108a “Cấm xe sơ-mi rơ-moóc” và các hệ biển trên có thêm Biển
phụ S.508 “Biểu thị thời gian”
4. Xe ô tô đi vào làn khẩn cấp trên đường
cao tốc: các trường hợp xe ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc,
trừ các trường hợp là xe được quyền ưu tiên theo quy định của Luật Giao thông
đường bộ.
5. Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu
giao thông: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008
quy định về tín hiệu đèn giao thông như sau:
Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như
sau:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng,
trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu
vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường
cho người đi bộ qua đường.
Theo đó, trong các trường hợp không tuân thủ quy định
trên nhưng không có biển báo hay hiệu lệnh từ người điều khiển giao thông thì
được xem là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông./.