Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 4267/KH-UBND năm 2023 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2024

Số hiệu 4267/KH-UBND
Ngày ban hành 17/07/2023
Ngày có hiệu lực 17/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4267/KH-UBND

Bến Tre, ngày 17 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẾN TRE NĂM 2024

Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024; Công văn số 4456/BKHĐT-TH ngày 13 tháng 6 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đồng thời, trên cơ sở định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, gồm một số nội dung như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CẢ NĂM 2023

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CẢ NĂM 2023

Năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, năm “bản lề” tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong điều kiện có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen; sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều bất ổn... Nhưng với nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý; đặc biệt, đã triển khai tổ chức thực hiện ký cam kết trách nhiệm giữa các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh để phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục trên đà phục hồi và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, có 07/21 chỉ tiêu xấp xỉ đạt chỉ tiêu so kế hoạch[1]; 07/21 chỉ tiêu đạt từ 50 - 80% so kế hoạch[2]; 03 chỉ tiêu đạt dưới 50%[3]; riêng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) theo đánh giá của Tổng cục Thống kê ước đạt 3,40%, thấp hơn 5,9 điểm % so kế hoạch; riêng 03 chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế và tỷ lệ hộ nghèo sẽ được thống kê, đánh giá vào cuối năm.

(Đính kèm Phụ lục 1 - Kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2023 và chỉ tiêu Kế hoạch năm 2021 - 2025).

2. Kết quả thực hiện các ngành, lĩnh vực chủ yếu

2.1. Về phát triển kinh tế

a) Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp

Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tương đối thuận lợi, tốc độ tăng trưởng đạt 2,82%. Công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, cùng với sự vận hành hiệu quả của hệ thống ngăn mặn trữ ngọt nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn và không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi.

- Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng vụ lúa Mùa và Đông Xuân năm 2023 đạt 6.229 ha, tăng 6,9% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 26.595 tấn, tăng 8,58% so cùng kỳ. Diện tích dừa tăng 1,26%, sản lượng tăng 4,82% so cùng kỳ; tỉnh đã tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành dừa, hiện nay giá dừa đã tăng trở lại[4]; diện tích nhiễm sâu đầu đen là 602,63 ha[5] và nhiễm bọ cánh cứng là 4.211,7 ha (giảm 6,6 ha so cùng kỳ); ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp để xử lý, nhất là dập dịch sâu đầu đen[6]. Các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, cam, quýt, nhãn, xoài,... sản lượng đạt khá, đã cung ứng cho thị trường trong dịp Tết khoảng 163.883 tấn, đạt 52,85% kế hoạch; tình hình sinh vật gây hại trên cây ăn trái không đáng kể và có chiều hướng giảm so cùng kỳ. Sản xuất rau màu thuận lợi hơn so cùng kỳ do thời tiết thuận lợi; diện tích rau màu các loại 2.341 ha, giảm 1,22% và đạt 55,74% kế hoạch; sản lượng khoảng 37.942 tấn, tăng 0,92% so cùng kỳ và đạt 36,14% kế hoạch.

- Về sản xuất hoa, kiểng và cây giống: Tiếp tục phát triển, riêng sản lượng cung ứng phục vụ Tết đạt khoảng 9,5 triệu sản phẩm các loại, tăng 18,8% so cùng kỳ, tình hình tiêu thụ hoa kiểng có tăng so năm trước[7]. Hiện tỉnh Bến Tre có khoảng 7.000 cơ sở sản xuất cây giống, hoa kiểng tập trung ở 02 huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc và đã thành lập Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách để tập trung phát triển lĩnh vực này.

- Về chăn nuôi: Chăn nuôi bò, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi heo có chuyển biến tốt; so với cùng kỳ, tổng đàn bò tăng 1%, tổng đàn gia cầm tăng 1,39%, tổng đàn heo tăng 0,29%. Trong 6 tháng đầu năm, xảy 01 ổ dịch viêm da nổi cục, 01 ổ dịch tả lợn Châu Phi và 01 ổ dịch lở mồm long móng nhưng được phát hiện, xử lý kịp thời nên không lây lan; bệnh dại trên chó, mèo còn tiếp diễn[8].

Nuôi thủy sản những tháng đầu năm khá thuận lợi; tổng diện tích thả nuôi tăng 2,38% so cùng kỳ, trong đó nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng 10,46%; sản lượng nuôi thu hoạch tăng 3,51%; nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển và được đầu tư khá về quy mô, cải tiến kỹ thuật/hạ tầng, diện tích nuôi 6 tháng đầu năm đạt 397 ha, đạt 75,8% kế hoạch (kế hoạch 500 ha); lũy kế đạt 2.946 ha, đạt 73,65% kế hoạch 2021 - 2025 (kế hoạch 4.000 ha), sản lượng 104.000 tấn, đạt 72,22% kế hoạch (kế hoạch 144.000 tấn); diện tích thả giống nuôi cá tra thâm canh ước 635 ha, tăng 5,83% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch đạt 96.000 tấn, tăng 5,6%, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao (dao động từ 28.000 - 32.000 đồng/kg) nên đa số người nuôi có lợi nhuận khá.

- Khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng nhiều do biến động thời tiết, tập quán nghỉ mùa, nghỉ Tết và giá dầu tăng cao, đội tàu lưới kéo ngưng hoặc hoạt động cầm chừng nên cường lực khai thác thấp; sản lượng tăng 0,61% so cùng kỳ. Hiện nay, Bến Tre tổng số tàu cá đã đăng ký 3.442 tàu, trong đó có 2.054 tàu đánh bắt xa bờ; toàn tỉnh có 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cảng cá ổn định, tổng số tàu lên hàng và hàng thủy sản là 804 lượt/15.196,2 tấn.

- Công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được chú trọng, đã tổ chức 176 lượt tuần tra, kiểm tra rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Qua kiểm tra, phát hiện và đang xử lý 13 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp[9].

- Tổng diện tích sản xuất muối niên vụ 2022 - 2023 khoảng 1.173,49 ha. Lũy kế từ đầu vụ đến nay sản lượng muối khoảng 42.300 tấn. Giá muối trung bình tại ghe hiện nay là 1.200 đồng/kg.

- Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các ngành, các cấp tích cực triển khai; trong 6 tháng đầu năm, đã công nhận 05 xã NTM, 01 xã NTM nâng cao; lũy kế có 85 xã NTM (24 xã NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu). Có 139/139 xã tiếp tục tổ chức thực hiện “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới”, huy động trên 99.515 lượt người tham gia, trong đó người dân tham gia chiếm 59,4%, với tổng kinh phí huy động trên 5,11 tỷ đồng.

- Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng NTM tiếp tục triển khai; toàn tỉnh có 67 THT, 71 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan[10]. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo qui chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc,... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh[11]. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về vùng sản xuất tập trung đối với dừa, heo, tôm biển và hoa kiểng,...

b) Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN)

Sản xuất CN-TTCN có bước phục hồi khá tốt mặc dù còn gặp không ít khó khăn ở một số ngành chế biến dừa, sản xuất các sản phẩm da, may mặc, sản xuất phụ tùng xe có động cơ... do thiếu đơn đặt hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm, thiếu lao động có trình độ, tay nghề cao. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm, khu vực II chỉ tăng trưởng 5,99%; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 18.800 tỷ đồng (Giá SS 2010), tăng 7,12% so cùng kỳ, đạt 47,47% kế hoạch[12]. So với cùng kỳ, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng khá[13]; so với kế hoạch năm, các sản phẩm chủ yếu ước thực hiện đạt khá, có 03/14 sản phẩm thực hiện đạt từ 50% kế hoạch trở lên[14]; còn lại đa số sản phẩm chủ yếu đạt trên 46% kế hoạch.

Hoạt động sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp được duy trì[15]. Dự án đầu tư KCN Phú Thuận, Khu nhà ở công nhân và tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ[16]; việc triển khai kế hoạch phát triển cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố được tập trung[17]. Đề án phát triển Trung tâm Dừa Đồng Gò - Bến Tre đang được Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý để tổ chức họp thẩm định. Đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương chọn dự án “Khu tổ hợp Hydro xanh Bến Tre” làm thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 và chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió ngoài khơi Ba Tri (800 MW), Nhà máy điện gió An Thủy (49,5MW), Nhà máy điện mặt trời (300 MW) để cấp nguồn cho dự án theo hình thức tự sản xuất tự tiêu thụ.

c) Thương mại - dịch vụ - ngân hàng

[...]