Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4230/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án "Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020-2025"

Số hiệu 4230/KH-UBND
Ngày ban hành 29/10/2020
Ngày có hiệu lực 29/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 4230/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 29 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “LƯU TRỮ TÀI LIỆU ĐIỆN TỬ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025”

Căn cứ Luật Lưu trữ năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ;

Thực hiện Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020 - 2025”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã được quy định tại Quyết định số 458/QĐ-TTg, đảm bảo đúng tiến độ, từng bước đạt được các mục tiêu mà Đề án đề ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử của Nhà nước ta.

b) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 458/QĐ-TTg.

2. Yêu cầu

a) Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án đã đề ra.

b) Có sự kế thừa các kết quả đã thực hiện được trong công tác lưu trữ tài liệu điện tử lâu nay trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc tận dụng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị đã có.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Quản lý thống nhất, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

b) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu lưu trữ của các cơ quan Nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng và thực hiện lưu trữ điện tử tại Lưu trữ cơ quan:

- Bảo đảm tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được tạo lập dạng điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và lưu trữ điện tử (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác).

- Bảo đảm tối thiểu 90% Lưu trữ cơ quan thực hiện quy trình khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trong môi trường mạng (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác).

- Bảo đảm tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ điện tử hình thành trong các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh có thời hạn bảo quản vĩnh viễn được trích xuất chuyển giao vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh trong thời hạn 03 năm kể từ khi tài liệu được tạo lập (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác).

b) Xây dựng và thực hiện lưu trữ điện tử tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trực thuộc Sở Nội vụ):

- Bảo đảm cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh có giải pháp nhằm bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử có thời hạn bảo quản vĩnh viễn.

- Bảo đảm số hóa tối thiểu 30% tài liệu lưu trữ không ở định dạng điện tử tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh có tần suất sử dụng cao, biên mục dữ liệu đặc tả đáp ứng yêu cầu phục vụ độc giả sử dụng tài liệu lưu trữ trực tuyến ở mức độ 4.

- Bảo đảm tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh không thuộc danh mục hạn chế sử dụng được xây dựng dữ liệu đặc tả và được tổ chức sử dụng trên môi trường mạng.

- Bảo đảm tài liệu lưu trữ điện tử tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh được tích hợp vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử Phông Lưu trữ Nhà nước.

c) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ điện tử trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

[...]