Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 4194/KH-UBND năm 2024 hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 4194/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2024
Ngày có hiệu lực 13/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trịnh Minh Hoàng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4194/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

HOÀN THIỆN MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”;

Thực hiện Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 01/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt danh sách hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 5776/KH-UBND ngày 23/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai hoàn thiện hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN LỰA CHỌN MÔ HÌNH HTX THÍ ĐIỂM

1. Kết quả phê duyệt HTX tham gia Đề án:

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2696/KH-UBND ngày 02/6/2021 triển khai lựa chọn hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”. Qua phân tích đánh giá các tiêu chí, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lựa chọn và phê duyệt các hợp tác xã (HTX) tham gia Đề án (tại Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 01/9/2021), đáp ứng các tiêu chí HTX có nhiều thành viên tham gia, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương, liên kết với doanh nghiệp; tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao và có đông thành viên là nữ, gồm:

- Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú.

- Hợp tác xã Gốm chăm Bàu Trúc.

- Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp An Xuân.

- Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận.

Trên cơ sở phê duyệt danh sách 04 HTX tham gia Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 5776/KH-UBND ngày 23/10/2021 triển khai hoàn thiện hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.

2. Kết quả công tác hỗ trợ:

a) Về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX[1], với tổng kinh phí hỗ trợ 228,12 triệu đồng. Đồng thời thông qua dự án tài trợ của tổ chức SOCODEVI - Canada đã hỗ trợ HTX Nho Evergreen tuyển dụng 02 lao động có trình độ đại học làm việc tại HTX. Mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại các HTX đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho HTX.

b) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:

- Về xúc tiến thương mại: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương đã hỗ trợ các HTX[2] tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm tiềm năng của HTX trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá sản phẩm, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng trên cả nước, với tổng kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng. Thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sản phẩm và đặc sản của tỉnh bước đầu được người tiêu dùng nhận diện và đánh giá cao về nhãn hiệu, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

- Về phát triển sản phẩm OCOP: Đến nay, có 03 HTX[3] đã tham gia Chương trình OCOP với 08 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (trong đó 02 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 06 sản phẩm xếp hạng 3 sao), góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Tỉnh đã hỗ trợ HTX đăng ký tham gia sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kết quả có 02 HTX đạt giải các cấp[4], với tổng kinh phí được trao giải là 21,468 triệu đồng và 02 HTX[5] có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt giải cấp khu vực.

c) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm: Từ nguồn ngân sách địa phương tỉnh đã bố trí vốn hỗ trợ cho các HTX với số tiền 20.000 triệu đồng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025[6] và Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX[7]. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 02 HTX[8] thực hiện dự án xây dựng nhà máy xay xát lúa, sấy nông sản và thiết bị sơ chế nông sản, với số tiền hỗ trợ 2.842 triệu đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nho sấy cho HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, với tổng kinh phí thực hiện 274,32 triệu đồng[9].

d) Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới: Tỉnh đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện, truy xuất nguồn gốc cho 05 sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh gắn với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng cho các HTX. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống quảng bá, nhận diện, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đăng ký thiết kế nhãn hiệu, in tem cho sản phẩm măng tây xanh, với kinh phí: 60 triệu đồng.

3. Đánh giá chung:

a) Kết quả đạt được:

Qua thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã bước đầu đạt một số kết quả, trong đó đã chọn các mô hình hợp tác xã tiêu biểu, đại diện ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp để từng bước xây dựng trở thành HTX kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể (KTTT), HTX để tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng của các HTX được lựa chọn tham gia Đề án giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, thúc đẩy KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững.

Đến nay, các HTX này đều hoạt động đúng theo quy định của Luật Hợp tác xã, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên. Kết quả đánh giá phân loại HTX năm 2022 theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 03/04 HTX xếp loại tốt và 01/04 HTX xếp loại khá.

b) Khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án chưa thường xuyên, chưa tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX.

- Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung hỗ trợ nhưng nguồn vốn chủ yếu thực hiện từ ngân sách địa phương, trong khi khả năng cân đối nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế nên không đủ đáp ứng nhu cầu của HTX; nguồn kinh phí từ Trung ương trong giai đoạn 2021-2025 chưa được phân bổ để hỗ trợ Tỉnh thực hiện Chương trình.

II. NỘI DUNG HOÀN THIỆN MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

[...]