Kế hoạch 415/KH-UBND năm 2017 triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 415/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2017
Ngày có hiệu lực 13/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 415/KH-UBND

An Giang, ngày 13 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO, BỒI DUỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) trên địa bàn tỉnh An Giang, cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Nhà giáo và cán bộ quản lý các Khoa đào tạo sư phạm của Trường Đại học An Giang, Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm Trường Đại học An Giang.

2. Nhà giáo và cán bộ quản lý thuộc các cơ sở có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh An Giang.

II. YÊU CẦU

1. Nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.

2. Bảo đảm nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu và quy hoạch sử dụng lâu dài. Có cơ chế khuyến khích nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc.

3. Tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng một cách tích cực.

4. Xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; thu hút và tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu có đủ năng lực tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

5. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm hay về đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời chủ động nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến để áp dụng vào thực tiễn của địa phương.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp; nâng cao số lượng đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ sở giáo dục.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2020

- Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các Khoa đào tạo sư phạm của Trường Đại học An Giang, Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (Trường Đại học An Giang):

+ Về đào tạo: Phấn đấu 100% giảng viên và cán bộ quản lý các Khoa đào tạo sư phạm của Trường Đại học An Giang được đào tạo đạt chuẩn, trong đó có 60% giảng viên và cán bộ quản lý đạt trình độ từ Thạc sỹ trở lên; 100% giáo viên và cán bộ quản lý Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm của Trường Đại học An Giang được đào tạo đạt chuẩn.

+ Về bồi dưỡng: Phấn đấu 100% giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, năng lực quản lý, năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin.

- Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên:

+ Về đào tạo: Đào tạo bổ sung số giáo viên thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 532 người); đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm (khoảng 753 người). Đối với cấp tiểu học, để đáp ứng việc dạy 2 buổi/ ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cần đào tạo thêm 1.041 giáo viên (giáo viên dạy tiểu học là 811 và 230 giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Dân tộc). Đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

+ Về bồi dưỡng:

Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng năng lực triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn Hiệu trưởng, trong đó có 70% đạt mức độ từ khá trở lên.

[...]