Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4094/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 4094/KH-UBND
Ngày ban hành 10/07/2023
Ngày có hiệu lực 10/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4094/KH-UBND

Bến Tre, ngày 10 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

1. Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị

Bến Tre có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 15 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập[1]; 01 Trung giáo dục thường xuyên có chức năng tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được phân bố đồng đều giữa các địa phương, các trường cao đẳng và trung cấp, tập trung chủ yếu ở các địa bàn đô thị. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tuy có xu hướng tăng, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số các cơ sở và chủ yếu đào tạo những nhóm nghề đầu tư thấp.

Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở GDNN khoảng 11.000 người, trong đó cao đẳng 800 người, trung cấp 1.200 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 9.000 người. Chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 64,22%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34,57%.

Ngành nghề đào tạo bậc cao đẳng có 22 ngành nghề và nhóm ngành[2]; trung cấp có 17 ngành nghề và nhóm ngành[3]; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 32 nghề. Những năm gần đây, xu hướng học sinh, sinh viên học các ngành nghề kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp tăng như các nghề: Cơ khí cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, May thời trang... Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo của các nghề này đạt trên 90%, sau tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định.

Các cơ sở GDNN từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để tổ chức đào tạo như: xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, văn phòng làm việc và các công trình phụ khác theo quy định. Cụ thể, đối với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh được đầu tư trang thiết bị cho các nghề trọng điểm, theo Quyết định số 1836/QĐ-BLĐTBXH ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt ngành nghề trọng điểm và trường được đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, đối với việc đầu tư trang thiết bị cho các nghề trọng điểm, chỉ đáp ứng được khoảng 54% trang thiết phục vụ đào tạo so với dự án được phê duyệt. Đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đầu tư trang thiết bị đào tạo và nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất[4].

2. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy

2.1. Đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN

Cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh là 135 người, trong đó: có 02 tiến sĩ, 46 thạc sĩ, 84 đại học, 01 cao đẳng, 02 trung cấp, trong đó tại các trường cao đẳng, trung cấp là 94 người, với 02 tiến sĩ, 37 thạc sĩ, 52 đại học, 01 cao đẳng; 02 trung cấp; tại các Trung tâm GDNN-GDTX là 41 người, với 09 thạc sĩ, 32 đại học.

2.2. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở GDNN

Toàn tỉnh có là 440 giáo viên tham gia giảng dạy, trong đó có 170 giáo viên dạy các môn văn hóa, 139 giáo viên dạy các nghề kỹ thuật, 20 giáo viên dạy các nghề quản lý kinh tế, 16 giáo viên dạy khối ngành sức khoẻ, 95 giáo viên giảng dạy các lĩnh vực khác. Trong đó: tại các trường cao đẳng, trung cấp là 215 người, gồm: 06 trình độ tiến sĩ; 101 trình độ thạc sĩ; 86 trình độ đại học; 13 trình độ cao đẳng; 09 trình độ trung cấp. Tại Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố là 186 người, trong đó: giáo viên dạy văn hoá là 170 người, giáo viên giáo dục nghề nghiệp là 16 người. Số lượng giáo viên dạy nghề tại các Trung tâm GDNN-GDTX chiếm số lượng rất ít so với giáo viên dạy văn hóa. Các cơ sở đào tạo khác là 39 người.

Nhìn chung, số giáo viên dạy nghề kỹ thuật vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chương trình, giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp được các trường cao đẳng, trung cấp xây dựng và giảng dạy nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, thời gian thực hành còn ít nên chất lượng đào tạo, tay nghề của học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

3. Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo nghề năm 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030

3.1. Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo

Theo số liệu của Đề án phát triển nhân lực tỉnh Bến Tre thì đến năm 2025 sẽ có 826.600 lao động làm việc trong các ngành kinh tế, chia ra khu vực I: 270.298 lao động chiếm 32,7%, khu vực II: 236.821 lao động chiếm 28,65%, khu vực III: 319.481 lao động chiếm 38,65%. Đến năm 2030 thì khu vực I là 178.497 lao động, chiếm 21,40%, khu vực II: 286.096 lao động chiếm 34,3%, khu vực III: 369.506 lao động chiếm 44,3%.

Từ sự chuyển dịch cơ cấu lao động đến năm 2025 dự kiến có 602.190 lao động qua đào tạo, chiếm 70% tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%. Bình quân mỗi năm tăng khoảng 2% số lao động được đào tạo mới so với số lao động tham gia hoạt động kinh tế tương đương 16.500 lao động.

Đến năm 2030 dự kiến có 697.426 lao động qua đào tạo, chiếm 75-80% tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt tỷ lệ 40%. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh và doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp mỗi năm cần thu hút khoảng 20.000 lao động, trong đó có khoảng 10.000 lao động qua đào tạo nghề.

Như vậy, nhu cầu lao động qua đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và thị trường lao động trong khu vực là rất lớn và xu hướng ngày càng thiếu lao động đặc biệt là lao động có tay nghề cao.

3.2. Dự báo nguồn cung lao động cho giáo dục nghề nghiệp

Nguồn cung lao động cho đào tạo nghề nghiệp tập trung ở các nhóm như: học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông không tiếp tục học lên cấp trình độ cao hơn, học sinh tốt nghiệp phổ thông không có điều kiện học đại học, bộ đội xuất ngũ, lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm cần đào tạo hoặc đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp, đặc biệt trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lao động từ các tỉnh trở về địa phương và không quay trở lại các thành phố lớn để làm việc, có nhu cầu đào tạo nghề nghiệp để tìm việc làm mới. Theo thống kê năm 2022 có trên 20.000 người có thể tham gia học nghề, trong đó lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương là 6.194 lao động; số học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông không học tiếp vào các trường: đại học, cao đẳng, trung cấp… khoảng 4.000 người; lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và bộ đội xuất ngũ… khoảng 10.000 người. Ngoài ra, hàng năm còn có gần 4.000 hộ nông dân cần giúp kiến thức, bồi dưỡng để sản xuất canh tác nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển sản xuất.

4. Đánh giá chung

4.1. Những mặt được

Hệ thống trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh đã có bước chuyển biến, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với thị trường lao động, qua đó đã chuyển đổi việc đào tạo từ các ngành học về quản lý kinh tế sang các ngành kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy tại các cơ sở GDNN thường xuyên được cập nhật, bổ sung kịp thời theo nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo theo hướng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng tay nghề gắn với vị trí việc làm.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề hàng năm được đầu tư, nâng cấp tăng về số lượng và chất lượng phục vụ cho nhu cầu đào tạo nghề của tỉnh.

[...]