Kế hoạch 864/KH-UBND năm 2023 về triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 864/KH-UBND
Ngày ban hành 13/03/2023
Ngày có hiệu lực 13/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 864/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển địa phương trong từng giai đoạn.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025:

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của địa phương đang phát triển, có công - nông nghiệp theo hướng hiện đại.

* Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025:

- Trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó: 02 trường Cao đẳng, 01 trường Trung cấp, 09 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập 03, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập 6); các cơ sở khác có tham gia giáo dục nghề nghiệp: 09.

- Phấn đấu có 01 trường Cao đẳng nghề chất lượng cao và 01 trường Cao đẳng y tế.

- Quy mô đào tạo: Đào tạo trên 9.000 người/năm (Trong đó trình độ Trung cấp, Cao đẳng: 1.200 người; đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: trên 7.800 người)

- Theo ngành nghề đào tạo: Bình quân hằng năm đào tạo công nghiệp và xây dựng đạt 2.250 lượt người, chiếm 25%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.420 lượt người, chiếm 38%; dịch vụ đạt 3.330 lượt người, chiếm 37%.

- Đến năm 2025: Có 380 nhà giáo; phấn đấu thu hút 10 chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

- Ít nhất 60% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia có trình độ thạc sĩ trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

- Cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp: 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn.

- Về diện tích đất xây dựng: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, các công trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Khoảng 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm đủ số lượng và diện tích các công trình; đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế và tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm theo ngành, nghề đào tạo.

- Khoảng 85% ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh, xanh phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của thực tiễn sản xuất.

2.2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030:

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

* Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030:

- Trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó: 02 trường Cao đẳng, 01 trường Trung cấp, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập 03, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập 6); các cơ sở khác có tham gia dạy nghề 10.

- Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 02 trường chất lượng cao.

- Quy mô đào tạo: Đào tạo trên 9.500 người/năm (Trong đó trình độ Trung cấp, Cao đẳng: 1.500 người; đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: trên 8.000 người).

- Theo ngành nghề đào tạo: Bình quân hằng năm đào tạo công nghiệp và xây dựng đạt 2.660 lượt người, chiếm 28%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.325 lượt người, chiếm 35%; dịch vụ đạt 3.515 lượt người, chiếm 37%.

[...]