Kế hoạch 110/KH-UBND năm 2023 về khắc phục hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu | 110/KH-UBND |
Ngày ban hành | 08/05/2023 |
Ngày có hiệu lực | 08/05/2023 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký | Dương Xuân Huyên |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 110/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 08 tháng 5 năm 2023 |
Thực hiện Thông báo số 370/TB-HĐND ngày 18/4/2023 của Thường trực HĐND tỉnh về kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp giải trình quý I năm 2023 về những hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khắc phục hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:
1. Mục đích
- Xác định rõ các hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được chỉ ra tại Thông báo số 370/TB-HĐND, đề ra các giải pháp, thời hạn để khắc phục các hạn chế, khó khăn.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Là căn cứ để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch khắc phục các hạn chế thuộc phạm vi quản lý, góp phần triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Các giải pháp đưa ra phải phù hợp, có hiệu quả nhằm kịp thời khắc phục các khó khăn, hạn chế đã được nêu ra; các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
1. Đổi mới các hình thức tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, định hướng nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên thực hiện các nghề phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (thương mại, du lịch, dịch vụ); thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả; có giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo nghề theo kế hoạch năm 2023.
2. Rà soát, đề xuất phương án sắp xếp một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh, đáp ứng mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045), phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề của tỉnh; hoàn thành trong năm 2023.
3. Xây dựng, trình HĐND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch phát triển GDNN của tỉnh” quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ; trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND tỉnh. Đề xuất các giải pháp cụ thể, kiểm tra, hướng dẫn địa phương tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia đào tạo nghề, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao trong năm 2023.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ tại Mục II Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành trước ngày 15/6/2023.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề tại các Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện; có phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chuyển các thiết bị dạy nghề giữa các cơ sở GDNN để khai thác, sử dụng phù hợp với ngành nghề đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; hoàn thành trong tháng 6/2023.
- Xây dựng Kế hoạch, nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động để giảm tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn. Đề ra chỉ tiêu cụ thể từng năm, đảm bảo đến năm 2030 tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm trên địa bàn tỉnh bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.
- Hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện triển khai thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề trình độ trung cấp tại các Trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đảm bảo thống nhất và đúng quy định trên toàn tỉnh; hoàn thành trong tháng 5/2023.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo các nghề nông nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả; có giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo nghề theo kế hoạch năm 2023.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì triển khai và thực hiện các giải pháp về công tác phân luồng học sinh phổ thông tạo nguồn tuyển sinh cho các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục trình độ, chuyên ngành khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh Lạng Sơn đối với nhà giáo GDNN tại Quyết định số 1807/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh; hoàn thành trước ngày 15/6/2023.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố xem xét phương án bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác GDNN; hoàn thành trước 15/6/2023.