Kế hoạch 402/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 402/KH-UBND
Ngày ban hành 27/07/2016
Ngày có hiệu lực 27/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/KH-UBND

Long Xuyên, ngày 27 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NĂM 2016 CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Quyết định số 2000/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện năm 2016 Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang, giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016- 2020 để An Giang là một trong những tỉnh, thành có PCI nằm trong nhóm tốt.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

- Cải thiện 06 chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng: Chi phí không chính thức; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Cạnh tranh bình đẳng; Chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước; Chi phí gia nhập thị trường.

- Duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số những chỉ số thành phần có trọng số cao như: Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin (20%); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%); Đào tạo lao động (20%); Chi phí không chính thức (10%).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ, giải pháp chung

- Tăng cường công tác thông tin và truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính, việc công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các cấp chính quyền.

- Các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, năng lực cán bộ thực thi nhiệm vụ được giao, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện nguyên tắc thời gian trả kết quả từng loại thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực phải giảm ít nhất 20% so với thời gian quy định của Trung ương, của tỉnh.

Công khai minh bạch thủ tục hành chính và thời gian giải quyết trên mạng Internet và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực khi thực hiện thủ tục hành chính doanh nghiệp gặp nhiều phiền hà như: thuế, phí, lệ phí; đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà thầu; quyết toán vốn đầu tư; thanh toán qua kho bạc; thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền thuê đất; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; giấy phép xây dựng; cấp điện; đấu nối cấp, thoát nước…

- Tăng cường công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là nhóm doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp trẻ của tỉnh trong hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

2.1. Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin (trọng số 20%)

a. Chỉ đạo và theo dõi tình hình thực hiện:

- Lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo: Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực nội chính.

- Cơ quan chịu trách nhiệm: Sở Tư pháp.

b. Nhiệm vụ, giải pháp:

- Sở Tư pháp:

Triển khai các hoạt động cụ thể về hỗ trợ pháp lý, thông tin pháp luật cho doanh nghiệp. Bảo đảm thời gian triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới chậm nhất là vào ngày văn bản đó có hiệu lực thi hành.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh, các hội, hiệp hội có liên quan với Sở, Ban, ngành cấp tỉnh trong tư vấn, phản biện các chính sách, quy định do tỉnh ban hành. Thời gian hoàn thành trong tháng 9/2016.

- Sở Thông tin và Truyền thông:

Các tài liệu quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, sản phẩm; bộ thủ tục hành chính của từng ngành, từng cấp; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư; tình hình kinh tế - xã hội… phải được cập nhật định kỳ hàng tháng để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các Cổng thông tin thành phần, được các cơ quan thông tin truyền thông đăng tin, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra việc công bố, công khai thông tin của các địa phương (đơn vị) tại Quyết định số 1135/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Danh mục tài liệu, số liệu, thông tin công bố, công khai của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

[...]