Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Long An

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 09/06/2016
Ngày có hiệu lực 09/06/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Long An, ngày 09 tháng 06 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) CỦA TỈNH LONG AN

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2015 là năm thứ 11, PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, công bố, kết quả của tỉnh Long An như sau:

- Năm 2015, PCI của tỉnh Long An đứng vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 60,86 điểm; tụt giảm 02 bậc và giảm 0,51 điểm so với năm 2014.

- So với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, Long An giữ nguyên vị trí so với năm 2014, xếp thứ 2 sau Đồng Tháp.

- PCI của tỉnh Long An năm 2015 có 5/10 chỉ số thành phần giảm điểm, có điểm số thấp cần phải được cải thiện trong năm 2016; có 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm cần phải được tiếp tục giữ vững, nâng cao hơn nữa trong năm 2016. Cụ thể như sau:

* Các chỉ số thành phần có điểm số tụt giảm

- Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: đạt 6,26/10 điểm; giảm 0,1 điểm so với năm 2014. Chỉ số này tỉnh Bến Tre đạt cao nhất với 7,82 điểm; Hà Nội thấp nhất với 4,12 điểm.

- Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: đạt 6,10/10 điểm; giảm 0,37 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Đà Nẵng cao nhất với 7,33 điểm; Hưng Yên thấp nhất với 4,88 điểm.

- Cạnh tranh bình đẳng: đạt 5,83/10 điểm; giảm 0,75 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Bạc Liêu cao nhất với 7,29 điểm; Hà Tĩnh thấp nhất với 3,35 điểm.

- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: đạt 5,16/10 điểm; giảm 0,24 điểm so với năm 2014. Chỉ số này TP.HCM cao nhất với 7,00 điểm; Bắc Kạn thấp nhất với 4,40 điểm.

- Thiết chế pháp lý: đạt 6,48/10 điểm; giảm 0,73 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Kiên Giang cao nhất với 7,62 điểm; Đắk Nông thấp nhất với 4,48 điểm.

* Các chỉ số thành phần có điểm số tăng cao

- Gia nhập thị trường: đạt 8,76/10 điểm; tăng 0,57 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Hậu Giang cao nhất với 9,23 điểm; Hà Nội thấp nhất với 7,56 điểm.

- Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước: đạt 7,37/10 điểm; tăng 0,16 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Đồng Tháp cao nhất với 8,54 điểm; Lạng Sơn thấp nhất với 5,06 điểm.

- Chi phí không chính thức: đạt 6,48/10 điểm; giảm 0,58 điểm so với năm 2013. Chỉ số này Sóc Trăng cao nhất với 7,12 điểm; Hà Giang thấp nhất với 3,53 điểm.

- Tính năng động của lãnh đạo: đạt 5,48/10 điểm; tăng 0,56 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Đồng Tháp cao nhất với 7,04 điểm; Lạng Sơn thấp nhất với 3,32 điểm.

- Đào tạo lao động: đạt 5,88/10 điểm; tăng 0,13 điểm so với năm 2014. Chỉ số này Đà Nẵng cao nhất với 7,62 điểm; Trà Vinh thấp nhất với 4,14 điểm.

Qua kết quả trên cho thấy PCI của tỉnh Long An năm 2015 giảm cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2014. Trong đó, chỉ số thành phần “Cạnh tranh bình đẳng” giảm cao nhất (giảm 0,75 điểm); chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” giảm 02 năm liên tiếp (2014, 2015) và chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất’’ giảm 04 năm liên tiếp (năm 2012, 2013, 2014 và 2015). Các chỉ số thành phần này cần phải quyết liệt cải thiện hơn trong năm 2016. Ngược lại các chỉ số thành phần tăng điểm thì điểm số tăng chưa cao (cao nhất chỉ đạt 0,58 điểm).

Để cải thiện, nâng cao PCI của tỉnh Long An năm 2016 và các năm tiếp theo, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện như sau:

I. CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nhóm giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần có điểm số tụt giảm

1.1. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất

- Đẩy mạnh hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn tỉnh;

- Kiên quyết giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các trường hợp bị ngưng trệ trong nhiều năm; giải quyết nhanh và dứt điểm các trường hợp tái định cư còn bất cập;

- Hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật đất đai; thực hiện tốt công tác rà soát quỹ đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công bố kịp thời;

- Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đối với thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực đất đai theo quy định; Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp thực tế;

- Có giải pháp khắc phục các vướng mắc trong quy hoạch đất đai, tránh trường hợp tại một vị trí đất nhưng cấp tỉnh và cấp địa phương có quy hoạch khác nhau. Bên cạnh đó cần thống nhất giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai trong quy hoạch nông thôn mới, tránh trường hợp tại 01 vị trí nhưng 02 quy hoạch lại khác nhau;

[...]