Kế hoạch 40/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022 do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 40/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2022
Ngày có hiệu lực 24/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/KH-UBND 

Hải Phòng, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2022

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2021

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Năm 2021, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nối tại nhiều quốc gia, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu với nhiều biến chủng mới đáng quan ngại với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao.

1.1. Bệnh COVID-19

Đại dịch COVID-19 ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 29/12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố đây là đại dịch. Đến nay sau gần 02 năm, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến 223 quốc gia, vùng lãnh thổ với 400 triệu ca mắc và 5,7 triệu ca tử vong.

Kể từ cuối tháng 3/2021, thế giới ghi nhận làn sóng dịch bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia cùng với sự lây lan rộng của biến chủng Delta, sô ca mắc mới mỗi ngày trên toàn cầu đã tăng 44,5% từ khoảng 400.000 ca/ngày vào giữa tháng 10/2021 lên hơn 578.000 ca trong ngày 26/11/2021. Dịch tuy có dấu hiệu giảm tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore..., dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại nhiều khu vực, nhất là tại châu Âu với số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng gần 60% từ trung bình 226.000 ca/ngày trong tháng 10/2021 lên 358.000 ca/ ngày vào cuối tháng 11/2021, tỷ lệ lây nhiễm tại một số nước châu Âu vẫn ở mức cao gấp từ 9-20 lần so với trung bình toàn thế giới.

Theo số liệu của các nước, nhìn chung số ca nhiễm mới, bệnh nặng và tử vong đến nay tập trung vào những đối tượng chưa tiêm vắc xin. Tại Mỹ, tỷ lệ nhiễm ở người không tiêm vắc xin cao hơn 5 lần, tỷ lệ tử vong cao hơn 13 lần so với người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao (76% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin), số ca tử vong của Anh đã giảm 23% dù số ca nhiễm tăng 25% trong vòng 2 tuần qua. Tỷ lệ ca nhiễm và tử vong của các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp cao gấp hơn 3 lần so với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Do đó, vắc xin vẫn là điều kiện tiên quyết để kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn với COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của vi rút SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi với khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng Delta, lây nhiễm đối với cả người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, tăng nguy cơ tử vong và quá tải hệ thống y tế. Đến nay có hơn 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể này, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam A.

Hầu hết các nước trên thế giới đã thay đổi chiến lược từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn” và áp dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó phù hợp với biến thể Omicron; không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, đồng thời thúc đẩy việc mở cửa, giao lưu, giao thương quốc tế: du lịch quốc tế, mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép làm gia tăng số ca mắc từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn lên các nhân viên và hệ thống y tế.

1.2. Bệnh do vi rút Ebola

Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), ngày 08/10/2021, Cộng hòa dân chủ Công Gô ghi nhận 01 trường hợp xác định mắc Ebola tại tỉnh North Kivu, và 03 trường hợp tử vong khác với các biểu hiện triệu chứng của dịch bệnh Ebola và là hàng xóm của ca bệnh trên. Trước đó, đợt bùng phát dịch thứ 11 tại tỉnh Equateur, tính đến ngày 18/11 2020, đã ghi nhận 130 trường hợp mắc tại 41 xã thuộc 13 thị trấn của tỉnh Equateur, gồm 119 trường hợp bệnh xác định và 11 trường hợp bệnh nghi ngờ, trong đó có 55 trường hợp tử vong. Từ ngày 01/8/2018 - 07/10/2019. tại Công Gô đã ghi nhận đợt dịch thứ 10 trong vòng 40 năm qua, với 3.186 trường hợp mắc, trong đó có 2.908 tử vong, trong đó có 160 nhân viên y tế. Ngày 17/7/2019. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh do vi rút Ebola tại Công Gô là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. WHO đánh giá khả năng bùng phát dịch bệnh Ebola tại Công Gô vẫn ở mức cao dù quốc gia này cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống và triển khai việc điều trị bệnh bằng các loại thuốc mới.

1.3. Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tỉnh vùng Trung Đông (MERS-CoV)

Từ ngày 12/3-31/7/2021, tại Ả Rập Xê út ghi nhận 04 trường hợp mắc MERS- CoV, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 2.178 trường hợp kể từ năm 201 2. trong đó có 810 trường hợp tử vong.

Theo thông báo từ Cơ quan đầu mối IHR của Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 9/2012 đến ngày 31/7/2021, trên toàn cầu đã ghi nhận 2.578 trường hợp mắc MERS- CoV tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 888 trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với lạc đà, các sản phẩm từ lạc đà hoặc có tiếp xúc với trường hợp bệnh. Trong năm 2019, 2020 dịch MERS-CoV vẫn được ghi nhận rải rác tại khu vực Trung Đông (Qatar, Ả Rập Xê Út, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất).

1.4. Bệnh cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6), A(H9N2)

- Cúm A(H5N1): ngày 21/7/2021, Cơ quan đầu mối IHR của Ấn Độ thông báo ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm A (H5N1) và là trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) đầu tiên được ghi nhận tại nước này. Từ năm 2003 đến năm 2021, trên thế giới đã ghi nhận 863 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 450 trường hợp tử vong tại 18 quốc gia.

- Cúm A(H10N3): ngày 03/5/2021, Bộ Y tế và sức khỏe Trung Quốc thông báo nước này đã ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm A(H10N3) và cũng là trường hợp đầu tiên được phát hiện trên thế giới, lây truyền từ động vật sang người. Khả năng lây truyền từ người sang người của vi rút cúm này là rất thấp.

- Cúm A(H3N2): Ngày 12/01/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thông báo nước này ghi nhận thêm 01 trường hợp nhiễm cúm A(H3N2), nâng tổng số ca nhiễm kể từ năm 2005 lên 437 ca.

Như vậy, trong năm 2021 tình hình cúm gia cầm ở người trên thế giới cơ bản ổn định, ghi nhận rất ít số ca mắc ở người, trong đó ghi nhận 01 trường hợp cúm A(H5N1) tại Ấn Độ, 01 trường hợp cúm A(H10N3) tại Trung Quốc, 01 trường hợp cúm A(H3N2) tại Mỹ. Tuy nhiên trên thế giới vẫn ghi nhận cúm trên gia cầm tại Trung Quốc, Đan Mạch, Ý, Đức.

1.4. Bệnh sốt vàng

- Từ ngày 15/10/2021- 27/11/2021, theo thông báo của Bộ Y tế Ghana, nước này ghi nhận 70 ca mắc sốt vàng, trong đó có 35 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc ở độ tuổi từ 4-70 tuổi, bệnh nhân nữ chiếm 52% trong tổng số ca mắc.

- Năm 2021, dịch bệnh sốt vàng được ghi nhận tại 03 nước châu Mỹ gồm Brazil (10 trường hợp), Peru (14 trường hợp, trong đó có 10 ca khẳng định và 04 ca có thể) và Venezuela (07 trường hợp sốt vàng, trong đó có 6 trường hợp chưa tiêm vắc xin sốt vàng).

Ngoài ra, theo thông tin từ WHO, dịch bệnh sốt vàng vẫn ghi nhận một số trường hợp bệnh rải rác, xâm nhập tại châu Phi, Angola và Cộng hòa dân chủ Công Gô và một số các quốc gia khác (Ethiopia, Gambia, Senegal, Nigeria, Hà Lan).

[...]