Kế hoạch 44/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người năm 2022 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 16/03/2022
Ngày có hiệu lực 16/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Hoàng Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 16 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN NGƯỜI NĂM 2022

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2021

I. KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm (BTN) trong 2 năm 2020-2021 tại tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp do dịch COVID-19 xâm nhập và gây dịch. Cùng với đó là ghi nhận các trường hợp mắc Viêm gan A tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa; 01 ca tử vong do bệnh Dại tại huyện Đakrông. Các bệnh lưu hành khác được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên hạn chế lây lan.

Dịch bệnh COVID-19 xâm nhập, lây lan trên địa bàn, ca bệnh ghi nhận tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố (huyện đảo Cồn Cỏ chưa ghi nhận ca mắc). Trong năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 2.237 ca mắc COVID-19, 03 trường hợp tử vong.

Viêm gan A: Dịch bệnh Viêm gan A vẫn đang diễn ra tại các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh và rải rác tại các xã của huyện Gio Linh. Năm 2021 ghi nhận 30 trường hợp mắc, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Sốt xuất huyết: Ghi nhận 60 trường hợp mắc, trong đó số trẻ em ≤ 15 tuổi mắc SXH: 22 trường hợp (36,6%), người lớn: 38 trường hợp (63,4%); Tỷ lệ mắc/100.000 dân của tỉnh: 9,1/100.000 dân, không có trường hợp tử vong xảy ra.

Bệnh Dại: ghi nhận 01 ca bệnh tại địa bàn xã Đakrông, huyện Đakrông. Đây là ca bệnh ghi nhận sau 5 năm liên tục Quảng Trị không có ca Dại.

Nhìn chung đa số bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: Lỵ A míp, lỵ trực trùng, viêm gan vi rút, quai bị, cúm, tay - chân - miệng. Sốt xuất huyết giảm mạnh so với năm 2020. Các ca bệnh ghi nhận năm 2020 nhưng không ghi nhận vào năm 2021 bao gồm: Bạch hầu, sởi, não mô cầu, Uốn ván sơ sinh. Bên cạnh đó một số bệnh tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Thủy đậu, viêm não vi rút khác, viêm gan C, tiêu chảy.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN

1. Cơ sở dự báo

Trên thế giới và tại Việt Nam, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, biến chủng tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là dịch COVID-19 đang bùng phát. Các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng... chưa khống chế được triệt để, vẫn có xu hướng gia tăng; một số bệnh trước đây đã được khống chế nhưng hiện gia tăng trở lại ở nhiều tỉnh trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu.

- Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tại Quảng Trị như tay chân miệng, viêm não vi rút ..., tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ lây lan, bùng phát nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách triệt để.

- Các bệnh dịch chủ yếu do vi rút (Tay chân miệng, sốt xuất huyết...), không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc xin dự phòng, các biện pháp phòng chống dịch chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu, tuy đã được kiểm soát và có số mắc giảm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lay lan, bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ tại Việt Nam như dịch hạch, bại liệt luôn có nguy cơ tái xâm nhập.

- Biến đổi khí hậu, biến động về dân cư, đô thị hóa, đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư chưa được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh, cũng như các dịch bệnh đã được khống chế nay xuất hiện trở lại.

- Một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống dịch, chưa thấy được sự cần thiết và tính cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh, coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành y tế, các Ban ngành đoàn thể chưa tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

- Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; bệnh dại còn ghi nhận trường hợp tử vong do người dân không chủ động, tự giác đi tiêm phòng vắc xin dại; có thói quen, tập quán ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

- Bùng nổ dân số, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự giao lưu rộng rãi của người dân, hậu quả của thiên tai, lụt bão đang tác động tiêu cực tới các hoạt động y tế dự phòng, có thể làm phát sinh, phát triển dịch bệnh.

- Việc triển khai hoạt động kiểm dịch y tế đối với người còn gặp khó khăn do các nguyên nhân chính như: điều kiện cơ sở làm việc còn nhiều hạn chế và phòng cách ly, các trang thiết bị phục vụ khám, phát hiện các triệu chứng liên quan tới các bệnh dịch chưa được trang bị hoặc còn thiếu và đặc biệt là bác sĩ tại các cửa khẩu còn thiếu. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, tiêm chủng không ổn định, có nhiều trường hợp luân chuyển, kiêm nhiệm công tác, nhân lực còn thiếu và yếu ở nhiều nơi.

- Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia liên tục bị cắt giảm hàng năm, đến năm 2020 đã kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương hạn chế, nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí chậm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

2. Dự báo tình hình dịch bệnh

Trong năm 2022 tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp do những yếu tố khách quan và chủ quan:

- Bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh.

- Một số bệnh mới nổi nguy hiểm như: cúm A/H7N9, Ebola, MERS - CoV có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và có thể xuất hiện trên địa bàn tỉnh ở mức độ trung bình, nguy cơ tử vong nếu dịch được ghi nhận trên địa bàn tỉnh.

- Một số bệnh tái nổi như: bạch hầu, ho gà có khả năng gia tăng trên địa bàn tỉnh .

[...]