Kế hoạch 399/KH-UBND năm 2019 về phát triển giáo dục, đào tạo và dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Đắk Nông năm 2020

Số hiệu 399/KH-UBND
Ngày ban hành 25/07/2019
Ngày có hiệu lực 25/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 399/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 25 tháng 7 năm 2019

 

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2020

Thực hiện Công văn số 2330/BGDĐT-KHTC ngày 29/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện xây dựng báo cáo kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo (GDĐT) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Nông xây dựng Kế hoạch phát triển GDĐT và dự toán NSNN tỉnh Đắk Nông năm 2020, cụ thể như sau:

1. Đánh giá chung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Đắk Nông là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; toàn tỉnh có 08 huyện, thị xã với 71 xã, phường, thị trấn1. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; tình trạng di dân tự do vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đắk Nông cũng có nhiều ưu thế phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt đất đai màu mỡ phù hợp trồng trọt cây nông nghiệp lâu năm nên sức hút dân cư cơ học rất cao, quy mô dân số và địa bàn cư dân tăng hằng năm; dân số trẻ dẫn đến số học sinh tăng vượt xa tỷ lệ chung.

Trước diễn biến tình hình vừa thuận lợi vừa khó khăn đan xen, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giáo dục tỉnh nhà. Những năm gần đây, giáo dục Đắk Nông đã có được những thành quả đáng khích lệ. Song, để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục trong tình hình mới, giáo dục địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ giải quyết của Trung ương.

2.1. Đánh giá tóm tắt tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục nghiêm túc thực hiện và cơ bản đạt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến giáo dục và đào tạo; các chỉ tiêu trong chương trình, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh.

Đặc biệt, ngành giáo dục cơ bản đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 theo hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Đắk Nông. Cụ thể:

Duy trì bền vững công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, ngành giáo dục đã thực hiện đạt 162,5% chỉ tiêu công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; đạt 100,7% chỉ tiêu tỷ lệ dân số trong độ tuổi học trung học phổ thông2. Đến tháng 6 năm 2019, ngành giáo dục đã thực hiện đạt 125% chỉ tiêu về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 99,3% chỉ tiêu tỷ lệ dân số trong độ tuổi học trung học phổ thông3; quy mô trường, lớp, học sinh, tỉ lệ tuyển mới4, tỉ lệ đi học so với dân số trong độ tuổi ở các cấp học đều tăng so với cùng kỳ năm trước5; tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên ở các cấp học đều cao, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và đổi mới của giáo dục, đào tạo6; 100% trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Trung ương, chính sách đặc thù của tỉnh theo đúng quy định.

2.2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2018 - 2019 (theo Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

a) Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, quy mô học sinh, cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 396 cơ sở giáo dục với 170.156 học sinh. Trong đó, Giáo dục mầm non có 126 trường với 37.989 trẻ; cấp Tiểu học có 149 trường với 70.767 học sinh; cấp THCS có 79 trường với 42.209 học sinh; cấp THPT có 33 trường với 18.724 học sinh; GDTX có 01 Trung tâm GDTX-Ngoại ngữ, tin học tỉnh và 07 Trung tâm GDNN-GDTX huyện với 467 học viên cấp THPT; có 01 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Trên cơ sở Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của Bộ GDĐT, tỉnh đã chủ động rà soát, quy hoạch lại đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tư thục; từng bước nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 24/7/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 22/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường trung học phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2019 - 20217.

Biểu đồ 1: So sánh số trường mầm non, phổ thông, GDTX năm học 2018 - 2019 so với năm học 2017 - 2018

Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn cũng như nhu cầu việc làm của xã hội cho nên số sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng với chuyên ngành vẫn còn nhiều. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho vùng kinh tế có điều kiện đặc biệt khó khăn trong những năm qua cũng được tỉnh quan tâm giải quyết, tuy nhiên vẫn còn một số sinh viên cử tuyển ra trường chưa bố trí được việc làm do hết chỉ tiêu biên chế.

b) Tình hình phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Năm học 2018 - 2019, tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về chính trị và chuyên môn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp học; tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên và hỗ trợ, khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng trên chuẩn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện đổi mới hoạt động sinh hoạt chuyên môn, tăng cường trao đổi kinh nghiệm. Tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên đúng thực chất theo chuẩn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị cho CBQL giáo dục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được các địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm đúng mức nên năng lực chuyên môn của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng được nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sắp tới.

Trên cơ sở cân đối biên chế và vị trí việc làm được các cấp quản lý phê duyệt và giao hằng năm, Tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí CBQL, giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Sở GDĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai các giải pháp điều động, biệt phái giáo viên nhằm hạn chế tối đa việc dôi dư, bảo đảm sử dụng hiệu quả số biên chế được giao8, khắc phục việc thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học9. Hoặc cho đi đào tạo văn bằng 2 về giáo dục mầm non đối với nhân viên để sắp xếp, bố trí dạy mầm non, góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non trong điều kiện giảm biên chế 10% đến năm 2021 theo quy định của Trung ương. Đồng thời, cùng với các địa phương tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên, lập kế hoạch tuyển dụng để tuyển hết số giáo viên theo biên chế được giao nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Biểu đồ 2: Cơ cấu đội ngũ CBQL, GV, NV năm học 2018 – 2019

Song song với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục trên địa bàn tỉnh10, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh, tăng cường công tác chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo11; tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm. Chỉ đạo Sở GDĐT, Phòng GDĐT và các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nhanh các vụ việc xúc phạm danh dự, thân thể nhà giáo.

c) Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh học 2 buổi/ngày.

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Hiện nay, chất lượng học tập của học sinh các cấp học phổ thông có sự chuyển biến rõ nét, tích cực. Hầu hết các cơ sở giáo dục giữ vững kỷ cương nền nếp, nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch năm học, làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém, tích cực đổi mới phương pháp dạy học12. Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT trong những năm qua đều duy trì ở mức trung bình chung tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước13. Đa dạng hóa các giải pháp trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi14. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật và cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên; tiếp thêm cho học sinh lòng đam mê nghiên cứu khoa học và phát huy năng lực tư duy sáng tạo của học sinh.

Công tác quản lý việc dạy học 2 buổi/ngày đã đi vào nề nếp15. Trong đó, các đơn vị đã tập trung vào các nội dung như phụ đạo học sinh yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; giãn thời gian với các nội dung dài, khó dưới sự hướng dẫn của giáo viên; tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, phù hợp với đối tượng học sinh. Qua đó, tỷ lệ học sinh bỏ học các cấp giảm theo từng năm học. Cụ thể, năm học 2018 - 2019, cấp tiểu học giảm còn 0,13%; cấp THCS còn 0,87%; cấp THPT còn 0,8%.

Tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về nội dung, mục đích và ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; huy động toàn dân tham gia phong trào xây dựng xã hội học tập16. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 26/4/2012 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Mục tiêu Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, tăng cường bền vững, tỉnh Đắk Nông đã công đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi17, đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 1, đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 1. Kết quả phổ cập giáo dục không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà quan trọng là đã làm chuyển biến mạnh ý thức và trách nhiệm của người dân đối với giáo dục18.

Tăng cường chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Một số cơ sở giáo dục đã chủ động thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương. Việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động của xã hội19. Lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh; cung cấp thông tin về thị trường lao động cho học sinh để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Nhìn chung, công tác phân luồng học sinh phổ thông luôn được chú trọng và đẩy mạnh, do đó, đã từng bước nâng cao được nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học hệ Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề. Kết quả phân luồng cho thấy tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chiếm tỷ lệ 16,02%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào thị trường lao động hoặc đi học nghề chiếm tỷ lệ 40,33%. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phù hợp với điều kiện của tỉnh.

[...]