Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3959/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3959/KH-UBND
Ngày ban hành 03/11/2021
Ngày có hiệu lực 03/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3959/KH-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và mọi người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nhiệm vụ và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc phòng, chống ma túy, nhất là vai trò của người đứng đầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể nhằm giảm cung, cầu và giảm tác hại của ma túy.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu tăng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy dưới 1% so với năm trước và kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy trên địa bàn.

- Trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

- Số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ hàng năm tăng từ 5% so với năm trước; trên 90% số vụ án ma túy được giải quyết, xét xử; 100% các vụ việc có thông tin về vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường biên giới và chuyển phát nhanh được xác minh, làm rõ.

- Số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được triệt xóa tăng từ 5% so với năm trước; không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp mới. Phấn đấu đến năm 2025 triệt xóa trên 80% số “điểm nóng” về ma túy.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức với nội dung phù hợp tại 100% số xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp. Các tin, bài, sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy hàng năm tăng về số lượng và nâng cao chất lượng.

- Kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; xóa bỏ cơ bản và bền vững việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

- Tăng cường hợp tác đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia; trước hết là tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy với các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kế hoạch số 120-KH/TU ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 402/KH-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh; lồng ghép, gắn kết chặt chẽ nội dung chương trình phòng, chống ma túy với phòng, chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS và các chương trình, kế hoạch liên quan trên địa bàn tỉnh.

2. Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy và thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như các phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy để người dân biết, phòng ngừa; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền chuyên biệt cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; kịp thời động viên, khen thưởng các mô hình, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.

3. Tích cực triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy không để phát sinh các điểm nóng về ma túy trên địa bàn, trước mắt là tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum và xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi không để phức tạp trở lại; tổ chức phát hiện và triệt xóa những điểm, tụ điểm sản xuất, điều chế, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hàng năm củng cố và giữ vững số xã, phường, thị trấn không có tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn và phấn đấu giảm dần số xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về tệ nạn ma túy.

4. Tổ chức rà soát, thống kê, phân loại, quản lý, đánh giá chính xác tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn; có biện pháp hỗ trợ và tổ chức cai nghiện ma túy bằng các hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, từng địa bàn; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hình thức cai nghiện.

5. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai. Xây dựng và triển khai các mô hình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và các mô hình phòng ngừa ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình và trong cộng đồng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, thiết lập đường dây nóng tư vấn cai nghiện ma túy.

6. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới vào địa bàn tỉnh; kịp thời triệt phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để tỉnh Kon Tum trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy; tăng cường các hoạt động xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản bị can sử dụng vào việc phạm tội, nguồn tài sản bị can có được do thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật. Làm tốt công tác vận động đầu thú và bắt giữ đối tượng truy nã; tăng cường công tác xét xử lưu động phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và răn đe. Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật không để xảy ra tình trạng lợi dụng mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở.

7. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong quá trình xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh không để tội phạm ma túy lợi dụng để sản xuất và mua bán trái phép. Kịp thời phát hiện, triệt xóa diện tích trồng cây có chứa chất ma túy.

8. Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các tỉnh giáp biên giới của Lào, Campuchia nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy và tranh thủ các nguồn hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật công nghệ và trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm về kỹ năng nghiệp vụ phòng, chống ma túy của các nước.

9. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên trách về công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả gắn liền với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trong nội địa; trong đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đóng vai trò nòng cốt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, cai nghiện ma túy và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp mà mọi cá nhân tham gia, đóng góp cho công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy:

- Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống ma túy; huy động sức mạnh của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân tham gia hoạt động phòng, chống ma túy; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Công an, các đơn vị nghiệp vụ, chức năng, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội các cấp khi để xảy ra tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp kéo dài trên địa bàn. Lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cán bộ.

- Rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; các quy định liên quan đến tổ chức hoạt động, chế độ, chính sách đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ chuyên trách, trực tiếp tham gia phòng, chống ma túy, đặc biệt là cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

[...]