Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2011 về đầu tư phát triển chợ đô thị năm 2011 – 2015 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 39/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2011
Ngày có hiệu lực 11/07/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

Y BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 11 tháng 7 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHỢ ĐÔ THỊ NĂM 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Trên cơ sở đề nghị của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển chợ đô thị năm 2011-2015 trên địa bàn thành phố như sau:

I. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về đầu tư phát triển chợ năm 2009-2010 và thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn thành phố:

1. Tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND:

Qua hai năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về đầu tư phát triển chợ năm 2009 - 2010 trên địa bàn thành phố đã có nhiều chợ được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.

Tổng số chợ đã triển khai thực hiện xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 24 chợ (theo Kế hoạch số 14/KH-UBND là: 31 chợ). Tổng giá trị đầu tư 258.770 triệu đồng. Trong đó: từ nguồn vốn ngân sách 2.070 triệu đồng, huy động được nguồn vốn của cá nhân và doanh nghiệp đầu tư 256.700 triệu đồng (trong đó khu Trung tâm dân cư và thương mại quận Thốt Nốt chiếm 176.000 triệu đồng).

Chợ được đầu tư xây dựng mới hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác gồm 08 chợ: chợ Xuân Khánh quận Ninh Kiều thực hiện xong giai đoạn I và đưa vào khai thác từ tháng 01 năm 2011; chợ trung tâm quận Cái Răng; chợ trung tâm quận và chợ Phước Thới thuộc quận Ô Môn; chợ trung tâm quận Thốt Nốt; chợ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh; chợ Trung Hưng, chợ Thạnh Phú thuộc huyện Cờ Đỏ.

 Ngoài nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp nêu trên, ngân sách các quận, huyện cũng đã đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp hoàn thành 06 chợ gồm: chợ Ba Se thuộc quận Ô Môn; chợ Cầu Nhiếm thuộc huyện Phong Điền; chợ Thới Đông, chợ Trung An, chợ Thạnh Phú, chợ Đông Hiệp thuộc huyện Cờ Đỏ.

Các chợ đã được chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố giao doanh nghiệp đầu tư đang triển khai thi công, hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư là 10 chợ: chợ An Nghiệp thuộc quận Ninh Kiều; chợ An Thới, chợ Hồi Lực, chợ Trà Nóc, chợ Bình Thủy thuộc quận Bình Thủy; chợ Thới Thuận (chợ Bà Ót), khu Trung tâm dân cư và thương mại, chợ Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt; chợ Trường Thành, chợ Trường Xuân thuộc huyện Thới Lai.

So với Kế hoạch số 14/KH-UBND thì còn một số chợ chưa thực hiện được như: chợ Rạch Côn, chợ cá thủy sản đầu mối thuộc quận Ninh Kiều; chợ Sang Trắng, chợ Thới An Đông quận Bình Thủy; chợ Ngã Ba quận Ô Môn; chợ Láng Sen, chợ Thạnh An (chợ Kênh Đ) thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Đây là những chợ có yêu cầu bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và tồn tại cụ thể như sau:

- Thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư kéo dài, giá cả biến động; phục vụ công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do không có quỹ đất tái định cư cho các hộ phải di dời khi thực hiện đầu tư các chợ trên địa bàn các quận, huyện một số trường hợp đòi hỏi quyền lợi, bồi hoàn của dân không thể tiến hành áp giá bồi thường giá trị đất và hoa màu như: chợ cá đầu mối, mở rộng chợ An Bình, chợ Xuân Khánh giai đoạn 2,...

- Phần lớn các chợ dân cư đều là chợ có quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng của một số chợ còn nhiều hạn chế, ngày càng xuống cấp mặt bằng nhỏ hẹp, dân cư sinh sống và kinh doanh đan xen. Vì vậy khó mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

- Chính sách ưu đãi đầu tư về lĩnh vực chợ chưa rõ ràng, cơ chế còn chồng chéo vướng mắc nên chưa thu hút được nhà đầu tư.

- Doanh nghiệp thường quan tâm vào các chợ có vị trí thương mại thuận lợi, dân cư đông, quy mô lớn, nguồn doanh thu khá ổn định, vị trí trung tâm như quận Ninh Kiều hoặc một số chợ trung tâm của các quận, huyện. Các chợ còn lại có quy mô nhỏ rất khó mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư.

- Nhìn chung qua triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa và giao quyền cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác kinh doanh và quản lý chợ, bước đầu đạt được kết quả tích cực như: chợ An Bình, chợ An Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng thành phố đầu tư; chợ Xuân Khánh, chợ Trung tâm quận Ô Môn do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng chợ Cửu Long đầu tư; chợ hợp tác xã Trần Việt Châu do Cty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Việt Mai đầu tư,… một số chợ huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất, tạo thuận lợi cho việc mua bán của các tiểu thương và bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm tự sản tự tiêu.

- Hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố bước đầu được nâng cấp mở rộng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách tham quan du lịch thành phố, hoạt động kinh doanh, đa dạng hàng hóa, phong phú về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng; thực hiện tốt cả 2 chức năng bán buôn, bán lẻ, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, tăng nguồn thu ổn định cho ngân sách của địa phương và hoạt động của chợ đã phục vụ tích cực cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và tiêu thụ hàng hóa sản xuất công nghiệp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thu hút nhiều tiểu thương vào tham gia kinh doanh trong chợ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động có trình độ phổ thông, tăng thu nhập đáng kể cho các thành phần kinh tế gia đình tham gia kinh doanh trong chợ.

2. Thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn thành phố:

- Thành phố Cần Thơ hiện có tổng số chợ truyền thống là 102 chợ, trong đó: có 05 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 53 chợ hạng III, còn lại là 33 chợ trong diện quy hoạch nhưng chưa đầu tư hạ tầng, chưa đủ điều kiện phân hạng theo quy định (trong đó: có 65 chợ đô thị và 37 chợ nông thôn) phân bố khá đều trên địa bàn tại 09 quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

- Phần lớn chợ hạng III, chợ tạm tình trạng cơ sở hạ tầng thấp kém, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, thường bị ngập vào mùa mưa, mặt bằng chật hẹp mua bán sinh hoạt gia đình đan xen, che chắn, kho chứa không đảm bảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhất là mùa khô,...

- Qua khảo sát thực tế và báo cáo của Ủy ban nhân dân các quận, huyện: còn nhiều chợ có yêu cầu bức xúc cần được đầu tư nâng cấp trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, cụ thể: đầu tư xây dựng mới có 27 chợ; cải tạo, nâng cấp có 12 chợ; giải tỏa, di dời 02 chợ. Đây là những chợ đô thị tại các trung tâm quận, huyện khu dân cư tập trung, có nhu cầu bức xúc, rất cần mời gọi đầu tư của các tổ chức, cá nhân và sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách thành phố, nhằm giải quyết tình trạng quá tải, mặt bằng chật hẹp, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nguy cơ cháy lan diện rộng vào mùa khô, bị ngập mùa mưa, không đạt tiêu chí hạng chợ theo quy định, chợ đô thị văn minh.

II. Kế hoạch đầu tư phát triển chợ đô thị năm 2011 - 2015 trên địa bàn thành phố

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng chợ văn minh xứng tầm với đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

1. Mục tiêu đầu tư phát triển chợ năm 2011 - 2015:

Huy động đúng mức nguồn lực, tài lực của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh khai thác các chợ trung tâm quận huyện, các chợ dân cư đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ quy mô phù hợp tiêu chí chợ văn minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt lợi thế thương mại - dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân, du khách tham quan du lịch. Đồng thời với triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các chợ xã đạt tiêu chí chợ nông thôn mới theo Kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai.

[...]