Kế hoạch 382/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2024

Số hiệu 382/KH-UBND
Ngày ban hành 02/06/2023
Ngày có hiệu lực 02/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 382/KH-UBND

Nghệ An, ngày 02 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023-2024

Nhằm tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2024, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá

- Sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây bệnh tật và tử vong: Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,... do khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hoá học, trong đó có chất nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như benzen, carbon monoxide... Sử dụng thuốc lá tại Việt Nam là một trong số 4 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao, đặc biệt đối với nam giới thì thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm với gần 11% tổng số ca tử vong1.

- Sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế của các nước: Trên thế giới, thuốc lá gây thiệt hại 1400 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 1,8% GDP. Gánh nặng chi phí y tế để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá đang là một thách thức đối với nhiều quốc gia. Theo số liệu của các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6 - 15% tổng chi phí y tế.

- Tác hại của việc trồng cây thuốc lá, sử dụng sản phẩm thuốc lá tới môi trường: Theo Tổ chức Y tế Thế giới mỗi sản phẩm thuốc lá được sử dụng đều gây hại cho môi trường. Trồng thuốc lá góp phần vào nạn phá rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra những ảnh hưởng có hại khác đến vệ sinh môi trường, gây ra nguy cơ cháy nổ...

2. Thực trạng công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Nghệ An

2.1. Những kết quả đạt được

Sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh, các sở, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động PCTHTL trên địa bàn toàn tỉnh như: Nâng cao chỉ số nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc và giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá,.... Qua đó công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận2.

2.2. Những tồn tại và hạn chế

- Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên Việt nam đang có xu hướng tăng. Tình trạng tiếp xúc thụ động với khói thuốc vẫn còn cao.

- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL còn chưa được thực hiện thường xuyên. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá qua đường biên giới. Việc xử phạt các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm và các hành vi vi phạm về quy định cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên.

- Hoạt động PCTHTL là lĩnh vực cần có sự phối hợp liên ngành cao vì phải thực hiện PCTHTL từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên, trong thời gian qua, phần lớn các hoạt động PCTHTL do ngành y tế chủ động thực hiện, các cấp chánh quyền và các sở ban ngành chưa thực sự quan tâm và chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức hoạt động một cách có hiệu quả.

2.3. Nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế

- Xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường nội địa. Đặc biệt các loại thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Các tổ chức xã hội, đoàn thể chưa phát huy được hết vai trò của trong giám sát thực hiện các quy định về PCTHTL.

- Ý thức chấp hành pháp luật của người dân về PCTHTL còn chưa cao nên hiện tượng vi phạm các quy định về PCTHTL vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, trưng bày thuốc lá tại điểm bán sai quy định và bán các sản phẩm thuốc lá lậu.

- Một số sở, ban, ngành và một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và chủ động trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về PCTHTL trong lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Công tác PCTHTL chưa được coi là một nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, mà chủ yếu được giao cho ngành y tế. Nhân lực tham gia công tác PCTHTL là các cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy thời gian để đầu tư cho công tác này còn rất hạn chế.

3. Căn cứ xây dựng Kế hoạch

- Căn cứ Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18/6/2012;

- Căn cứ Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/07/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Căn cứ Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch;

- Căn cứ Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Căn cứ Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

- Căn cứ Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;

- Căn cứ Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

[...]