Kế hoạch 38/KH-UBND phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 38/KH-UBND
Ngày ban hành 02/02/2024
Ngày có hiệu lực 02/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Sơn La, ngày 02 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH, BỆNH TRUYỀN NHIỄM Ở NGƯỜI NĂM 2024

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007; Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch; Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ về việc ban hành Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và Điều lệ Y tế quốc tế 2005; Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn giám sát và đáp ứng với dịch, bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 33/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định danh mục Bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định số 2018/QĐ-BYT ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch, bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/7/2023 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Y tế về việc phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; Quyết định số 128/QĐ-BYT ngày 17/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2024.

Căn cứ Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh Sơn La về phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 01/09/2021 của UBND tỉnh Sơn La về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 30/06/2023 của UBND tỉnh Sơn La về phòng, chống bệnh Dại trên người tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2030;

Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 03/12/2023 của UBND tỉnh Sơn La về kiểm soát, quản lý bền vững dịch, bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2025. Trước diễn biến tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm ở người trên thế giới, trong khu vực, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh năm 2023. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động nắm bắt diễn biến, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi trên thế giới và tại Việt Nam, triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa, từ sớm, khống chế không để dịch, bệnh xâm nhập và bùng phát trên địa bàn tỉnh. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra so với năm 2023; triển khai linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, dịch bệnh Covid-19 nói riêng; đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nắm bắt thông tin, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, kịp thời kiểm soát xử lý không để dịch bệnh bùng phát, giảm thiểu tối đa số mắc và tử vong do các dịch, bệnh truyền nhiễm gây ra, đặc biệt một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương, các bệnh có số ca mắc/tử vong hàng năm cao (bệnh Dại; bệnh Viêm não vi rút; bệnh Uốn ván sơ sinh, bệnh Sởi, bệnh Ho gà…).

b) Tăng cường năng lực hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nhận định tình hình dịch cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch tại các tuyến. Từng bước nâng cao năng lực phòng xét nghiệm tuyến tỉnh và tuyến huyện trong việc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sớm các tác nhân gây bệnh.

c) Củng cố hệ thống điều trị, đảm bảo sẵn sàng công tác thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh. 100% cán bộ y tế làm công tác cấp cứu, điều trị bệnh được tập huấn nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

d) Ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đến Nhân dân bằng nhiều hình thức, nâng cao chất lượng, thời lượng bảo đảm công tác truyền thông đến được với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh phòng bệnh.

đ) Triển khai Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh (tiêm chủng mở rộng thường xuyên, chiến dịch,…) đảm bảo tỷ lệ theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Giữ vững thành quả thanh toán, loại trừ các bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh, bệnh sốt rét trên quy mô huyện, tiến tới loại trừ bệnh sởi, bệnh dại.

e) Huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng; Chính quyền; Mặt trận Tổ quốc; Đoàn thể trong việc phối hợp phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các Sở, ban, ngành nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.

g) Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại khu vực biên giới, cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời ngăn chặn và khống chế không để bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị phục vụ nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập, huyện Mộc Châu thành cửa khẩu Quốc tế. Phối hợp với các tỉnh Bắc Lào có chung đường biên giới với tỉnh Sơn La chia sẻ thông tin về dịch, bệnh truyền nhiễm.

II. CHỈ TIÊU CHUYÊN MÔN

1. 100% các sự kiện y tế và dịch, bệnh truyền nhiễm mới, mới nổi và tái nổi được giám sát phát hiện, xử lý kịp thời (bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A H7N9...) hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào địa phương.

2. 100% các ca bệnh truyền nhiễm được báo cáo, cập nhật thông tin theo quy định.

3. 100% người, phương tiện, hàng hoá, nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ của tỉnh Sơn La được giám sát, khai báo, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu.

4. Giảm số ca mắc/tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành và phổ biến trên địa bàn tỉnh cụ thể:

a) Bệnh Tay chân miệng, tỷ lệ mắc dưới 20/100.000 dân, tỷ lệ tử vong/mắc 0,05%;

b) Bệnh Sốt xuất huyết, khống chế không phát sinh các ổ dịch mới tại 10/12 huyện/thành phố còn lại. Khống chế ổ dịch cũ tại 2 huyện Mai Sơn và Sông Mã, không để dịch lây lan trên diện rộng và kéo dài. Giảm tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết (bao gồm cả sốt xuất huyết xâm nhập) ở mức 5% so với năm 2023, tỷ lệ tử vong/mắc < 0,1%;

c) Bệnh Sởi - Rubella, không để dịch xảy ra và kéo dài, tỷ lệ mắc bệnh Sởi/Rubella < 40/100.000 dân, tỷ lệ tử vong < 0,1%. Đảm bảo tỷ lệ giám sát các trường hợp nghi ngờ/mắc Sởi - Rubella đạt ≥ 02/100.000 dân;

d) Các bệnh cúm A (H5N1; H5N6; H7N9), COVID-19, Đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát lây lan rộng trong cộng đồng, cơ sở y tế;

đ) Bệnh Sốt rét, duy trì thành quả loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô huyện từ năm 2019, không để bệnh sốt rét quay trở lại trong năm 2024 và những năm tiếp theo;

e) Bệnh Dại, khống chế không vượt quá 03 trường hợp tử vong;

g) Các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng: duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt; bệnh Uốn ván sơ sinh tỷ lệ mắc ≤ 0,6/100.000 dân, tỷ lệ tử vong: ≤ 0,5/100.000 dân; bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giảm 5% so với năm 2023;

[...]