Kế hoạch 363/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 363/KH-UBND
Ngày ban hành 13/10/2021
Ngày có hiệu lực 13/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 363/KH-UBND

Lào Cai, ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TU NGÀY 26/8/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050, TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nội dung để triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2021-2025.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, tạo sản phẩm sạch, an toàn gắn với phát triển kinh tế đồi rừng; nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá: (i) Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; (ii) Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; (iii) Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; (iv) Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; (v) Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Xác định cụ thể nội dung, giải pháp, tiến độ và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025

1. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 3.300 tỷ đồng so với năm 2020. Tạo việc làm tăng thêm cho 16.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm.

2. Giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 2,6 lần (tăng 4.000 tỷ đồng) so với năm 2020, chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó:

- Cây chè: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu, cải tạo, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng; đến năm 2025, giá trị đạt khoảng 700 tỷ đồng.

- Cây dược liệu: Đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đến năm 2025, giá trị ước đạt trên 700 tỷ đồng.

- Cây chuối: Xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng VietGAP, cấp mã vùng trồng; đến năm 2025, giá trị trên 500 tỷ đồng.

- Cây dứa: Phát triển vùng sản xuất dứa chuyên canh, sản xuất theo phương pháp rải vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật; đến năm 2025, giá trị trên 300 tỷ đồng.

- Chăn nuôi lợn: Phát triển mạnh chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đến năm 2025, giá trị ước đạt 2.200 tỷ đồng.

- Cây quế: Hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; đến năm 2025, giá trị trên 1.200 tỷ đồng.

- Phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững; đến năm 2025, giá trị trên 900 tỷ đồng.

3. Các địa phương tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, bản sắc văn hóa, tri thức bản địa để phát triển sản phẩm đặc hữu, tiềm năng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; mở rộng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường bền vững.

4. Thực hiện chuyển đổi khoảng 13.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng mới các cây trồng chủ lực, tiềm năng (dược liệu, chè, chuối, dứa, cây ăn quả, dâu tằm...). Cải tạo 2.480 ha (chè, dứa, cây ăn quả ôn đới) để đảm bảo mật độ, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị nông sản

1.1. Phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa

1.1.1. Phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng

Duy trì diện tích 6.500 ha hiện có, thực hiện trồng mới giai đoạn 2021 - 2025 là 1.924 ha tại huyện Mường Khương (580 ha năm 2021; 600 ha năm 2022; 500 ha năm 2023; 144 ha năm 2024; 100 ha năm 2025). Đến năm 2025, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 8.424 ha chủ yếu tập trung tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát. Tập trung rà soát, chuyển đổi 1.924 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ