Kế hoạch 36/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022 - 2030 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 36/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2022
Ngày có hiệu lực 19/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 19 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 VÀ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030; Công văn số 73/LĐTBXH-BTXH ngày 10/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022 - 2030 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác chỉ đạo, xây dựng văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện

Công tác triển khai Luật Người cao tuổi (NCT), Chương trình hành động quốc gia về NCT và các văn bản hướng dẫn triển khai Luật NCT được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lạng Sơn quan tâm chỉ đạo. Trong những năm qua Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND), Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND), các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức và đơn vị liên quan đã ban hành theo thẩm quyền hệ thống các văn bản[1] chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT trên địa bàn; chú trọng triển khai và thực hiện đầy đủ các chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, miễn, giảm giá vé giao thông, phí dịch vụ trong một số loại hình văn hóa, thể thao, du lịch về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu hỗ trợ trực tiếp NCT (NCT).

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với NCT

Công tác tuyên truyền, triển khai Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT và các văn bản hướng dẫn được quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, đã thực hiện lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật đối với NCT. Kết quả: đã tổ chức quán triệt cho 98% các cộng tác viên NCT, các tổ chức hội NCT từ tỉnh đến cơ sở và 95% các bộ công chức các cơ quan từ tỉnh đến huyện, xã; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng chuyên mục NCT mỗi tháng từ 01 kỳ giai đoạn 2011 - 2015 đến mỗi tháng 4 kỳ giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác chăm sóc NCT, đồng thời qua đó đã có nhiều giải pháp vận động xã hội, huy động nguồn lực để chăm sóc NCT.

3. Công tác kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện

Thông qua hoạt động của Ban Công tác NCT tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có sự phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt chính sách, chế độ trợ giúp NCT theo Luật NCT qui định; xây dựng cơ chế tự kiểm tra, giám sát đánh giá. Tuy nhiên, công tác tổ chức, kiểm tra việc thực hiện chưa mang tính tập trung, chủ yếu do từng sở, ngành, các cấp, các tổ chức liên quan thực hiện.

4. Công tác phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Đại diện hội NCT tỉnh tổ chức ký kết thực hiện Chương trình số 98/CTPH- LĐTBXH-HNCT ngày 23/10/2014 về Chương trình phối hợp công tác NCT giai đoạn 2014 - 2018 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Lạng Sơn. Qua 04 năm thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Đại diện hội NCT tỉnh đã tích cực phối hợp tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản triển khai các chế độ, chính sách đối với NCT đảm bảo kịp thời, đầy đủ. Qua đó nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức và Nhân dân trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Chế độ tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho NCT được triển khai kịp thời, đúng quy định.

5. Bảo đảm nguồn lực thực hiện

Giai đoạn 2012 - 2020 kinh phí thực hiện các chính sách đối với NCT hàng năm trên địa bàn tỉnh được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; có 175/200 xã, phường, thị trấn thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT đạt 87,5%. Việc chăm sóc đời sống NCT về vật chất, tinh thần chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở các xã, phường, thị trấn còn khó khăn, phải dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương. Bên cạnh đó, các nguồn lực bao gồm cả nhân lực và tài chính còn thiếu và yếu cũng là những hạn chế trong công tác thực hiện các hoạt động của NCT.

6. Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về NCT

Thực hiện Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 13/11/2013 thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, kết quả đạt được như sau:

a) Kết quả thực hiện các mục tiêu đến năm 2015

- Những chỉ tiêu đạt (6/9 chỉ tiêu đạt = 66,67%).

- Những chỉ tiêu chưa đạt (3/9 chỉ tiêu = 33,33%).

b) Kết quả thực hiện các mục tiêu đến năm 2020

- Những chỉ tiêu đạt (6/7 chỉ tiêu = 85,7%).

- Chỉ tiêu chưa đạt (1/7 chỉ tiêu = 14,3).

7. Tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác chăm sóc NCT

Hệ thống tổ chức quản lý về NCT của tỉnh được thành lập ở 4 cấp (tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn, thôn/khu, khối phố) và được bổ sung, kiện toàn kịp thời. Cụ thể: Ban Đại diện hội NCT được thành lập ở cấp tỉnh và 11/11 huyện, thành phố; 200/200 xã phường, thị trấn đều thành lập hội NCT, 100% thôn bản, khu, khối phố có chi hội NCT; Ban Công tác NCT của tỉnh Lạng Sơn đã được bổ sung, kiện toàn kịp thời[2], đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ban cho phù hợp với tình hình mới. Đến nay có 11/11 huyện, thành phố thành lập và kiện toàn được Ban Công tác NCT và ban hành quy chế hoạt động; UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố bố trí cán bộ chuyên trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV- BTC-BLĐTBXH, theo đó, bố trí 02 cán bộ chức danh văn hóa - xã hội ở mỗi xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội nói chung và công tác NCT nói riêng.

8. Mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ đối với NCT

Hiện nay mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ đối với các đối tượng yếu thế nói chung, NCT nói riêng trên địa bàn tỉnh là các cơ quan, đơn vị làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội, như: lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc, trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp NCT…

[...]