Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 140/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2017
Ngày có hiệu lực 09/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 09 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2017 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 7681/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Thực trạng công tác chăm sóc người cao tuổi

Tại tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) tăng dần qua các năm, cụ thể: Năm 1999 tổng số NCT toàn tỉnh chiếm 6,99% dân số, năm 2009 chiếm 8,26% dân số (Theo số liệu điều tra tổng dân số và nhà ở), đến năm 2016 toàn tỉnh có 72.338 NCT chiếm 9,41% dân số toàn tỉnh (Số liệu báo cáo của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh). Điều này cho thấy, tỉnh Lạng Sơn đang dần đối mặt với thời kỳ “Già hóa dân số”.

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn toàn tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện. Hàng năm, có hàng nghìn lượt NCT được chăm sóc sức khỏe thông qua các hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ, các chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí, Chương trình “Mắt sáng cho NCT”, phát triển Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau... Năm 2016, toàn tỉnh có 46.031 NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ 63,63%; 27.707 NCT được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khỏe chiếm 38,3%; 5.368 NCT được khám mắt miễn phí chiếm 7,42%, trong đó có 636 NCT được điều trị mắt miễn phí; 11.475 NCT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng chiếm 13,97%, trong đó có 7.869 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội theo Luật NCT; 1.340 NCT được hưởng trợ cấp theo quy định Luật Người khuyết tật; 2.266 NCT được hưởng chế độ trợ cấp đối với Người có công với cách mạng, NCT neo đơn, hộ nghèo,…

Già hóa dân số nhanh sẽ trực tiếp tác động tới đời sống kinh tế, xã hội, hệ thống an sinh, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống… và đặc biệt là hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều này sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung, của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT.

Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Căn cứ xây dựng Kế hoạch

Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;

Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025;

Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc xây dựng và triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 13/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT, chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT, các chỉ tiêu đến năm 2025 cần đạt được là:

- 100% lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT; ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT.

- 50% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT.

b) Nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của NCT, các chỉ tiêu đến năm 2025 cần đạt được là:

- 50% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.

- 50% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

c) Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,...), chỉ tiêu đến năm 2025 có 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

d) Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung, các chỉ tiêu đến năm 2025 cần đạt được là:

- 50% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.

[...]