Kế hoạch 36/KH-UBND thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) tỉnh An Giang năm 2018

Số hiệu 36/KH-UBND
Ngày ban hành 24/01/2018
Ngày có hiệu lực 24/01/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH (CHỈ SỐ PAPI) TỈNH AN GIANG NĂM 2018

Chỉ số PAPI năm 2016 tỉnh An Giang, đạt 35,63 điểm (tăng 1,36 điểm), xếp hạng: 34/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 15 bậc so với năm 2015), xếp trong Nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp; xếp hạng: 7/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tăng 4 bậc so với năm 2015).

Trong năm 2016 và năm 2017, UBND tỉnh phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh, tại hội nghị các chuyên gia của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chuyên gia phân tích chính sách - Chương trình phát triển liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát tại các cơ quan, địa phương, qua đó tư vấn chính sách, đề xuất giải pháp giúp tỉnh An Giang thực hiện tốt hơn công tác quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 147/CTr-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2015 của UBND tỉnh về Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tỉnh An Giang năm 2018, với các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp trọng tâm sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành, các địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Xác định nhiệm vụ, giải pháp chiến lược và cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công của tỉnh nhằm đáp ứng sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; từng bước nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công từ cơ sở (xã, phường, thị trấn) đến tỉnh; xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ công, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của Chính quyền đối với các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn.

Phấn đấu các chỉ số nội dung của Chỉ số PAPI trong kỳ đánh giá năm 2017, tỉnh An Giang xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có số điểm trung bình cao trong cả nước và tăng dần điểm số, thứ hạng trong các năm tiếp theo. Đến năm 2020, chỉ số PAPI của tỉnh An Giang nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có điểm số và thứ hạng khá trở lên.

2. Yêu cầu

Việc quán triệt, triển khai kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh phải thực hiện đồng bộ với các chỉ đạo, định hướng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hiệu quả công tác cải cách hành chính, gắn với nâng cao các Chỉ số của tỉnh: Cải cách hành chính (PAR INDEX), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và được tiến hành sâu rộng, thiết thực để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản trị hành chính công, tạo sự chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả nhất.

Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp; tổ chức thực hiện bằng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, việc làm cụ thể, thiết thực ngay từ năm đầu năm, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch Nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công (Chỉ số PAPI) tỉnh An Giang.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính các cấp, thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quán triệt đầy đủ nội dung, ý nghĩa và các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp nâng cao các chỉ số PAPI đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành của tỉnh để hiểu, thực hiện cho đúng và tuyên truyền để nhân dân, các hội đoàn thể biết, giám sát; nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh, tạo động lực để nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh.

- Cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của chính quyền các cấp trong tỉnh, đặc biệt là cấp xã, vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương; triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong kế hoạch và các văn bản có liên quan để góp phần nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh, trọng tâm tập trung thực hiện tại cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, các cơ quan, địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, không chung chung, hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên nắm bắt và tổng kết thực tiễn từ cơ sở, kịp thời phát hiện, đề xuất bổ sung những giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, công khai, minh bạch, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Phấn đấu lần đánh giá năm 2018 (đánh giá Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2017), Chỉ số PAPI tỉnh An Giang thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao trở lên.

2. Mục tiêu cụ thể

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện cả 06 nội dung đánh giá của Chỉ số PAPI. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các nội dung tỉnh An Giang có điểm số thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm thấp nhất và điểm trung bình thấp (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công); đồng thời giữ vững và phát huy các nội dung tỉnh An Giang có điểm số thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm cao nhất (Cung ứng dịch vụ công).

Chỉ tiêu năm 2017 trên 6 trục nội dung, mỗi nội dung phấn đấu duy trì điểm số hoặc tăng điểm so với hiện tại - so sánh với điểm số của năm 2016:

2.1 Cải thiện sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở: phấn đấu đạt 4,50 điểm.

- Tri thức công dân:

[...]