Kế hoạch 146/KH-UBND về cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Lào Cai năm 2018

Số hiệu 146/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2018
Ngày có hiệu lực 26/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 146/KH-UBND

Lào Cai, ngày 26 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH (PAPI) CỦA TỈNH LÀO CAI NĂM 2018

Theo công bố của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), năm 2017 Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được xếp làm 04 nhóm: (1) Nhóm đạt điểm cao nhất (16 tỉnh, thành phố); (2) Nhóm đạt điểm trung bình cao (16 tỉnh, thành phố); (3) Nhóm đạt điểm trung bình thấp (15 tỉnh, thành phố); (4) Nhóm đạt điểm thấp nhất (16 tỉnh, thành phố), trong đó tỉnh Lào Cai đạt được 37 điểm (tăng 1,29 điểm so với năm 2016), được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao (Chi tiết kết quả Chỉ số PAPI tỉnh Lào Cai theo Phụ lục kèm theo).

Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Lào Cai năm 2018, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nên hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Năm 2018, chỉ số PAPI của tỉnh Lào Cai xếp trong TOP 20 tỉnh, thành phố có điểm số và thứ hạng cao nhất cả nước.

- Phấn đấu Chỉ số PAPI tổng hợp năm 2018 đạt từ 38 điểm trở lên, trong đó:

+ Chỉ số nội dung Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”: Đạt 5,6 điểm; thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao (tăng 0,39 điểm so với năm 2017);

+ Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”: Đạt 6,0 điểm; thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao (tăng 0,12 điểm so với năm 2017);

+ Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”: Đạt 5,75 điểm; thuộc nhóm đạt điểm cao nhất (tăng: 0,19 điểm so với năm 2017);

+ Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”: Đạt 6,8 điểm; thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao (tăng 0,27 điểm so với năm 2017);

+ Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”: Đạt 7,25 điểm; thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao (tăng 0,44 điểm so với năm 2017);

+ Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ hành chính công”: Đạt 7,22 điểm; thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao (tăng 0,22 điểm so với năm 2017).

3. Yêu cầu:

- Xác định cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.

- Các cơ quan, đơn vị:

+ Đánh giá đúng thực trạng, xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định Chỉ số PAPI của ngành, địa phương mình;

+ Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc triển khai cũng như kết quả Chỉ số PAPI năm 2018 thuộc phạm vi được phân công chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo, thực hiện;

+ Tổ chức triển khai quyết liệt và có hiệu quả việc cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh Lào Cai.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân cở cấp cơ sở”:

- Tuyên truyền, triển khai các hình thức thích hợp (công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, tiếp xúc với nhân dân...) để nhân dân nói lên nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như của địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hiện dân chủ cơ sở, các nội dung, vấn đề mà người dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát thực hiện.

- Đổi mới cách huy động sự tham gia của cử tri, người dân vào hoạt động bầu cử và ra các quyết định ở địa phương nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tham gia đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

- Tích cực tuyên truyền về kết quả bầu cử các cấp và đảm bảo chất lượng công tác bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để người dân lựa chọn đại diện.

[...]