Kế hoạch 358/KH-UBND năm 2022 về phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030

Số hiệu 358/KH-UBND
Ngày ban hành 28/10/2022
Ngày có hiệu lực 28/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 358/KH-UBND

Lào Cai, ngày 28 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Thực trạng các khu, cụm công nghiệp tỉnh Lào Cai

1.1. Thực trạng các khu công nghiệp

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 03 khu công nghiệp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ (Khu công nghiệp Đông Phố Mới, khu công nghiệp Tằng Loỏng và khu công nghiệp Bắc Duyên Hải) với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.285 ha, trong đó đất công nghiệp: 868,68 ha. Đến ngày 31/12/2021 đã cho thuê được 661,94 ha, tỷ lệ lấp đầy là 76,2% đất công nghiệp, thu hút 161 dự án vào đầu tư, sản xuất kinh doanh (138 dự án đưa vào hoạt động và 23 dự án đang đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký là 25.637 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2021 là 23.903 tỷ đồng, chiếm 58% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; thu nộp ngân sách năm 2021 đạt 1.037 tỷ đồng, chiếm 32,49% tổng thu ngân sách lĩnh vực công nghiệp toàn tỉnh; tạo việc làm ổn định cho 7.391 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đánh giá quá trình hình thành, phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua có những mặt được và những tồn tại, hạn chế sau:

1.1.1. Ưu điểm

- Các khu công nghiệp của tỉnh Lào Cai đã thu hút được nhiều dự án lớn đến đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tình), thu hút và tạo việc làm cho trên 7 nghìn lao động với thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng/người/tháng (trong đó trên 95% là lao động địa phương); thu nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng/năm.

- Hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp được quản lý và đi vào hoạt động ổn định.

- Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước; công tác quản lý môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng.

1.1.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

(1) Hiệu quả hoạt động của các KCN thấp so với một số tỉnh trong khu vực (Phú thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên), cụ thể:

- Giá trị sản xuất công nghiệp/1ha đất công nghiệp là 33,16 tỷ đồng, chỉ bằng 50% so với Phú Thọ, Vĩnh Phúc và chỉ bằng 30% so với Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.

- Nộp nghĩa vụ ngân sách thấp: 1,25 tỷ đồng/1ha đất công nghiệp, bằng 21,67% so với bình quân của 5 tỉnh nêu trên (trong đó: KCN Bắc Duyên Hải: 0,97 tỷ đồng/1ha, KCN Đông Phố Mới: 0,53 tỷ đồng/ha và KCN Tằng Loỏng: 1,35 tỷ đồng/1 ha).

- Thu nhập bình quân của người lao động cơ bản ngang bằng với khu vực. Tuy nhiên tính chất và cường độ lao động của lao động Lào Cai cao hơn (chủ yếu là làm việc trong môi trường công nghiệp nặng).

* Nguyên nhân:

- Chính sách ưu đãi về chính sách thuế, miễn giảm tiền thuê đất... cho các dự án trong các KCN quá dài (miễn 9 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo), dẫn đến các chủ đầu tư không tích cực triển khai, một số chủ đầu tư đăng ký chiếm chỗ chờ chuyển nhượng để hưởng lợi. Nhiều dự án đã chậm tiến độ nhiều năm nhưng đến nay việc thu hồi, chấm dứt hoạt động chưa thực hiện được do vướng mắc nhiều về cơ chế, chính sách.

- Công nghệ, máy móc thiết bị chủ yếu ở mức trung bình và dưới trung bình, năng suất lao động thấp, sản phẩm chủ yếu dạng thô giá trị gia tăng thấp.

- Nhiều dự án đến nay không đầu tư đầy đủ các hạng mục theo Giấy CNĐT, hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo rất hạn chế, đặc biệt tại KCN Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới (chủ yếu còn hoạt động về lĩnh vực dịch vụ kho, bãi);

(2) Nguy cơ ô nhiễm môi trường trong các KCN khá cao. Trong thời gian qua đã xảy ra một số sự cố môi trường như: Rò rỉ Amoniac, vỡ đập hồ thải tại Nhà máy DAP số 2; chàn Axít Sunphuaric trong quá trình vận chuyển, nước thải chưa qua xử lý đổ thải ra khu vực canh tác của người dân, cháy nổ...

* Nguyên nhân:

- Sản xuất trong KCN Tằng Loỏng là công nghiệp hóa chất, phân bón có lượng chất thải lớn (gồm cả thải khí, rắn, nước) hàm chứa các yếu tố gây ô nhiễm môi trường cao.

- Công tác quản lý môi trường trong các KCN còn hạn chế, Cơ quan quản lý chưa đầu tư được các trạm quan trắc môi trường để đối chứng với dữ liệu quan trắc của các nhà máy; thiết bị quan trắc, giám sát môi trường của các đơn vị đầu tư không đồng bộ về chủng loại, do đó việc tích hợp, chuyền dẫn về trung tâm quản lý gặp nhiều sự cố...

- Các KCN của Lào Cai gần như chưa có hàng rào cứng và nằm đan xen với khu dân cư với mật độ khá cao.

(3) Các công trình phục vụ đời sống công nhân, người lao động chưa được quan tâm đầu tư như nhà ở công nhân, công trình văn hóa, thể thao, y tế.

* Nguyên nhân:

- Trong quy hoạch các KCN chưa quan tâm đến việc quy hoạch đất để đầu tư các hạng mục phục vụ người lao động.

- Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đầu tư các công trình phúc lợi, nhà ở công nhân do năng lực tài chính hạn chế.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ