Kế hoạch 354/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 354/KH-UBND
Ngày ban hành 24/10/2022
Ngày có hiệu lực 24/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 354/KH-UBND

Lào Cai, ngày 24 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo; Quyết định số 4998/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu của cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo;

Căn cứ Đề án số 08-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/02/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Tỉnh ủy Lào Cai về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1182/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giáo dục thông minh, giáo dục STEM, giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 1634/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

1. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (CNTT), CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀO CAI VÀ SỰ CẦN THIẾT

1. Quy mô trường, lớp, học sinh và trẻ em được tiếp cận và học Tin học: Hiện nay toàn tỉnh có 509 trường/612 trường với 145.550/222.850 học sinh và trẻ em được tiếp cận và học môn Tin học. Cụ thể:

- Cấp mầm non đạt 29,5% số trẻ em được tiếp cận môn Tin học (làm quen với máy tính);

- Cấp tiểu học đạt 57,5% số học sinh học tự chọn môn Tin học;

- Cấp THCS đạt 96% số học sinh học chính khóa, tự chọn môn Tin học;

- Cấp THPT đạt 100% số học sinh được học Tin học.

2. Hạ tầng kỹ thuật:

- Toàn tỉnh có 626 phòng Tin học/524 trường/612 trường có phòng Tin học; 4.563 máy chiếu, màn hình ti vi; 144 bảng tương tác thông minh. Hầu hết các phòng Tin học đều được kết nối mạng Internet phục vụ công tác dạy học.

- Thí điểm triển khai giải pháp giáo dục STEM: 02 Mô hình học trải nghiệm sáng tạo STEM Vinaponics (Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Lào Cai; Trường THPT Chuyên); 01 Mô hình học trải nghiệm sáng tạo STEM Robotics Coder (Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai); phòng học tương tác đa năng (Trường THPT Chuyên) để tổ chức dạy học giáo dục STEM.

- Có 612/612 cơ sở giáo dục có kết nối Internet, trong đó: 607 trường sử dụng mạng cáp quang Internet băng rộng cố định; 05 trường sử dụng mạng 4G.

3. Đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên và học sinh

- Giáo viên cơ bản có trình độ, tiếp cận nhanh với các ứng dụng CNTT và sáng tạo trong chuyển đổi số, đặc biệt là các ứng dụng trong dạy học; 95% giáo viên có thể ứng dụng CNTT cơ bản để hỗ trợ dạy học (sử dụng phần mềm trình chiếu, soạn thảo văn bản, Shubclassrom, Zoom Cloud Meetting, Microsoft Teams, zalo, facebook, Messenger, khai thác internet,...); 30% giáo viên có thể sử dụng thành thạo các công cụ e-learning (sử dụng phần mềm Adobe presenter,..) soạn bài giảng.

- Kỹ thuật viên, nhân viên cơ bản có kỹ năng về CNTT để hỗ trợ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên trong công tác quản lý giáo dục và dạy học (quản lý các phần mềm, hồ sơ thư viện, thiết bị,...).

- Học sinh được học tập môn Tin học một cách bài bản nên có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại và các phần mềm ứng dụng trong học tập.

4. Hệ thống nền tảng, phần mềm:

- Nền tảng quản lý tại các cơ sở giáo dục: 100% các cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường vnEdu (do VNPT cung cấp) và phần mềm smas (do Viettel cung cấp) để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất,...; quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên (học bạ; sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ đăng bộ, sổ đầu bài, số liên lạc điện tử,...); dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt,...

- Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai các phần mềm, nền tảng: Hệ thống thông tin tổng thể và cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục tỉnh Lào Cai; Hệ thống phòng họp trực tuyến; Hệ thống phần mềm xây dựng môi trường học tập trực tuyến e-learning (thí điểm tại 36 trường THPT); phát triển Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Sở Giáo dục và Đào tạo; Nền tảng quản lý tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tuyến; số hóa dữ liệu điểm thi THPT tỉnh Lào Cai từ năm 1963 đến năm 2020,...

- Triển khai các phần mềm, nền tảng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp: Phần mềm PCGD - Xóa mù chữ; phần mềm thi tốt nghiệp THPT; CSDL ngành giáo dục và đào tạo, ...

- Triển khai Chính quyền điện tử: 100% cơ sở giáo dục được trang bị hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục; 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 97% hồ sơ công việc của Sở Giáo dục và Đào tạo được xử lý trên môi trường mạng đạt.

- Phát triển xã hội số: 199/612 trường (đạt 32,5%) cơ sở giáo dục cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; 100% học sinh phổ thông có hồ sơ số; 73,9% học sinh có học bạ điện tử (168.652 học sinh phổ thông/228.322 học sinh, trẻ em); 168/612 trường (đạt 24,4%) cơ sở giáo dục triển khai sổ liên lạc điện tử.

5. Đánh giá chung

5.1. Ưu điểm

[...]