Kế hoạch 3536/KH-UBND năm 2017 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 3536/KH-UBND
Ngày ban hành 17/08/2017
Ngày có hiệu lực 17/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Đặng Minh Hưng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3536/KH-UBND

Bình Dương, ngày 17 tháng 08 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 2.694,4 km2, dân số 2.004.800 người. Toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố (01 thành phố, 04 thị xã, 04 huyện) và có 91 xã, phường, thị trấn.

Là tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua Bình Dương phát triển nhanh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích là 10.560 ha, có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 10 cụm công nghiệp với diện tích gần 707 ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích cho thuê của các khu công nghiệp đạt 70%, các cụm công nghiệp là 65%.

Tổng số công nhân lao động đang làm việc trên 960 ngàn người (trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng 70 %) phần lớn công nhân chủ yếu là lao động trẻ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến Bình Dương làm việc.

Tỉnh Bình Dương đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố thông minh và có lộ trình cụ thể trong thời gian gần đây nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, giảm chi phí xã hội và tiêu thụ tài nguyên, đồng thời cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình của Bình Dương là nội dung quan trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, quảng bá hình ảnh, con người, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Thu hút nguồn lực từ xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng thành phố thông minh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với xu thế thời đại, khơi dậy sức sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu xã hội, khai thác tiềm năng địa phương, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU ngày 12/09/2014 của Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện Nghị Quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thông qua phát triển các ngành công nghiệp văn hóa từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2017- 2020

Tập trung triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực hiện các bước cơ bản và đồng bộ thông qua việc tuyên truyền phổ biến, xác định ngành nghề và mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Bình Dương đồng thời tham gia xây dựng và triển khai các đề án, nhiệm vụ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Trung ương.

Định hướng và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm văn hóa-kinh tế- xã hội và tiềm năng của tỉnh như: Quảng cáo, du lịch văn hóa, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí, mỹ thuật thành những ngành kinh tế dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân.

Từng bước nâng cao tỉ trọng ngành du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương. Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, đặc biệt là du lịch sinh thái dọc tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, quần thể núi Cậu huyện Dầu Tiếng và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh.

Nhà nước đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, có chính sách thu hút nguồn nhân lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, thị trường.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung địa bàn các đô thị thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.

2. Giai đoạn 2021-2030

Doanh thu ngành công nghiệp văn hóa tăng tỷ lệ trong nguồn thu ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm và sản phẩm cho xã hội góp phần giải quyết nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh.

Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng lên và đóng góp từ 1,5- 2% trong tổng mức GRDP của tỉnh.

Các Đề án phát triển du lịch nhằm phát huy du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử được triển khai thực hiện.

[...]