Kế hoạch 3529/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu | 3529/KH-UBND |
Ngày ban hành | 23/05/2022 |
Ngày có hiệu lực | 23/05/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Trần Văn Hiệp |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3529/KH-UBND |
Lâm Đồng, ngày 23 tháng 5 năm 2022 |
Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 48/NQ-CP); UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
1. Mục đích:
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các sở, ban ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và chống ùn tắc giao thông.
b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải và TTATGT; tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.
c) Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý điều khiển giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng thông hành của phương tiện, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, điều hành vận tải.
d) Hàng năm, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tối thiểu từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020; khắc phục, ngăn ngừa ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến Quốc lộ, đường đô thị, nhất là tại thành phố Đà Lạt và dọc Quốc lộ 20.
2. Yêu cầu:
a) Tiếp tục xác định công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục nên việc triển khai thực hiện phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, phát huy sức mạnh của các hệ thống chính trị, của toàn dân cùng tham gia.
b) Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
1. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên các giải pháp bảo đảm TTATGT theo Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 22/4/2015 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 85-KH/TU ngày 22/5/2019 của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động số 4542/KH-UBND ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
2. Thực hiện thường xuyên, liên tục, sát thực tế và hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại để tạo chuyển biến tích cực trong hành vi của người tham gia giao thông.
3. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm quy định về TTATGT; sử dụng kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại đối với thiết bị cân, trạm kiểm tra tải trọng xe.
4. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, khách sạn, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu nhằm đảm bảo điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, gắn với việc xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm trái phép lòng, lề đường, vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi lưu thông và mỹ quan đô thị.
6. Đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn bảo đảm tiến độ, chất lượng; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay cảng hàng không trên địa bàn tỉnh.
7. Tổ chức, triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương tiện dọc các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ là được dừng nghỉ theo quy định.
8. Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...), phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh theo quy hoạch nhằm từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân trong thời gian tới; khuyến khích xã hội hóa, ưu tiên thực hiện đầu tư các dự án bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ thông minh, hiện đại.
9. Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hợp lý hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng thực sự.
10. Xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.
11. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông: tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
12. Bảo đảm an toàn giao thông tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính, lối đi tự mở qua đường sắt; xây dựng lộ trình thực hiện để hoàn thành việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trước năm 2030; đầu tư xây dựng hệ thống tự động giám sát giao thông tại các giao cắt đường bộ với đường sắt.
1. Ban An toàn giao thông tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 48/NQ-CP và Kế hoạch này để đảm bảo đạt mục tiêu, yêu cầu, hiệu quả, thiết thực trong giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, địa phương, đơn vị mình.
2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng dự toán ngân sách thực hiện hàng năm (bằng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT hoặc nguồn vốn khác) trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để đảm bảo thực hiện Kế hoạch này đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.