Kế hoạch 3495/KH-UBND năm 2022 về phát triển khu vực dịch vụ của tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 3495/KH-UBND
Ngày ban hành 09/06/2022
Ngày có hiệu lực 09/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3495/KH-UBND

Bến Tre, ngày 09 tháng 06 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ CỦA TỈNH BẾN TRE THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch phát triển khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và cụ thể hóa các nội dung Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về chiến lược phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo các mục tiêu về phát triển ngành dịch vụ thông qua thực hiện Quy hoạch tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành dịch vụ giai đoạn 05 năm và hàng năm được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước.

2. Yêu cầu

Thực hiện các nội dung của Kế hoạch phải bám sát hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nêu tại Quyết định 283/QĐ-TTg và Quyết định số 531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đảm bảo triển khai, thực hiện thường xuyên và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đảm bảo tiến độ thực hiện các nội dung của Kế hoạch; báo cáo đánh giá định kỳ hàng năm để rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Chú trọng cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch.

Xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng”, bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, logistics và vận tải, tài chính - ngân hàng; xây dựng “hệ sinh thái” dịch vụ để tạo đột phá trong phát triển dịch vụ.

Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đtác động, lan tỏa đến các lĩnh vực dịch vụ khác.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,8%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đạt 42,68% vào năm 2025.

Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 75%. Tiếp tục phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, nhất là lao động thuộc ngành dịch vụ.

- Về tài chính - ngân hàng: Đến năm 2025, phấn đấu 90% phí dịch vụ công được thanh toán qua ngân hàng; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu góp phần đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS; tiếp tục cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng nguồn tín dụng; cải thiện và minh bạch trong tín dụng.

- Công nghệ thông tin và truyền thông: Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng bền vững, định hướng chuyển đổi theo hướng phát triển hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Đến năm 2025, tỷ lệ người dùng internet là 95%, tỷ lệ thuê bao internet băng thông rộng có dây là 80%; thuê bao internet băng thông rộng không dây là 825.520 thuê bao; thuê bao điện thoại cố định 25.352 thuê bao và thuê bao điện thoại di động 2.134.515 thuê bao; công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao.

- Phân phi: Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 tăng 17%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 415.000 tỷ đồng; giá trị gia tăng thêm lĩnh vực thương mại trong nước đến năm 2025 đóng góp khoảng 22% vào GRDP.

- Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cách mạng Công nghệ 4.0; đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa từng bước hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục. Đến năm 2025, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 11.000 người, trong đó, đào tạo các ngành nghề liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ chiếm 35 - 40%, có ít nhất 85% người học nghề có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.

- Về logistics và vận tải: Đến năm 2025, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách đạt khoảng 14.306.800.000 hành khách/km (tương đương khoảng 309.500.000 lượt khách), tổng sản lượng vận tải toàn ngành khoảng 16.220.000.000 tấn/km (tương đương 70.000.000 tấn hàng hóa), vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 12% nhu cầu đi lại của tỉnh; tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 5%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 6%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% GRDP.

- Khoa học và công nghệ: Đến năm 2025, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt bình quân 25%/năm; giá trị sản phẩm công nghệ cao ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%; giá trị sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 8,5% GRDP; ươm tạo và phát triển mới 15 tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

- Du lịch: Đến năm 2025, tổng khách du lịch phấn đấu đạt từ 2,3 - 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 40 - 45%, tăng trưởng bình quân từ 12 - 15%/năm. Phấn đấu tổng doanh thu từ khách du lịch đạt từ 2.300 - 3.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 22 - 25%/năm, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh phấn đấu đạt 6% trở lên. Nguồn nhân lực du lịch phấn đấu đạt trên 7.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó lao động qua đào tạo chiếm từ 65 -70%.

- Về y tế: Đến năm 2025 đạt 33,3 giường bệnh và 10,48 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,51% dân số.

b) Giai đoạn đến năm 2030

[...]