Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Chương trình hành động 02/CTr-UBND năm 2024 phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 02/CTr-UBND
Ngày ban hành 15/08/2024
Ngày có hiệu lực 15/08/2024
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CTr-UBND

Hậu Giang, ngày 15 tháng 8 năm 2024

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ TỈNH HẬU GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Chương trình hành động phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Phát triển khu vực dịch vụ nhanh đi đôi với hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, bảo đảm khai thác tốt các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Phát triển khu vực dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, chú trọng vào các giải pháp, chính sách cụ thể, có th ể đo lường kết quả, theo tín hiệu thị trường. Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng trong thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành dịch vụ.

- Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực, lồng ghép việc thực hiện các cam kết quốc tế về dịch vụ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện phát triển khu vực dịch vụ gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công ở các ngành, các cấp, cơ sở theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp địa phương, cơ sở.

- Phát triển khu vực dịch vụ trên cơ sở công nghệ thông tin là đòn bẩy, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ; ưu tiên các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, có giá trị gia tăng lớn; trở thành tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt từ 8,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, đến năm 2030 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu GRDP của tỉnh khoảng 38%, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ trên 40% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh. Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 35% GRDP.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm.

- Ngân hàng: Huy động vốn tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát theo định mức hàng năm của ngành. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền, các biện pháp nghiệp vụ để thúc đẩy người dân trên địa bàn tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm dần thanh toán bằng tiền mặt.

- Công nghệ thông tin và truyền thông: Phát triển hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số. Đẩy mạnh triển khai một số công nghệ mới (IoT, Blockchain, AI, Bigdata) trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng hàng hóa; kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tại tỉnh và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

- Phân phối, thương mại: Tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân 10%/năm, phát triển thương mại điện tử, xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 9%/năm.

- Số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế tăng 3.000 doanh nghiệp.

- Giáo dục - đào tạo và lao động: Phấn đấu đến năm 2030, các chỉ số cơ bản về phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh ngang bằng với các chỉ số trung bình của cả nước. Thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn dưới 30% tổng số lao động.

- Logistics và vận tải: Tốc độ tăng trưởng hàng năm sản lượng vận tải hàng hóa tăng từ 7% đến 8%; sản lượng vận tải hành khách tăng từ 7% đến 9%.

- Khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực. Tập trung thúc đẩy xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; tiếp tục tạo lập và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ.

- Du lịch: Đến năm 2030 thu hút 1.200.000 lượt khách tham quan, du lịch, trong đó khoảng 60.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 900 tỷ đồng. Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 8.000 lao động trở lên. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 70%/lao động trực tiếp.

- Y tế: Phấn đấu đến năm 2030, 80% cơ sở có giường bệnh xếp loại từ khá trở lên; duy trì tỷ lệ 100% xã đạt 10 Tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) dưới 9%; số bác sĩ trên 10.000 người dân là 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người dân là 41 giường.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ

- Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức (SIPAS).

[...]