Kế hoạch 348/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 348/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2024
Ngày có hiệu lực 07/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 348/KH-UBND

Lào Cai, ngày 07 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25-CT/TW NGÀY 25/10/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới (Chỉ thị 25-CT/TW), Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 281/QĐ-TTg) về triển khai thực hiện Chỉ thị số 25- CT/TW; Công văn số 2118-CV/TU ngày 07/11/2023 của Tỉnh uỷ Lào Cai về triển khai thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư, UBND tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch cụ thể như sau:

Phần 1

THỰC TRẠNG Y TẾ CƠ SỞ TỈNH LÀO CAI

1. Đặc điểm tình hình chung tỉnh Lào Cai

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới phía bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên là 6.384 km2, địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, hệ thống khe, suối chia cắt; giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Toàn tỉnh có 09 huyện/thị xã/TP; 152 xã, phường, thị trấn; dân số toàn tỉnh tính đến tháng 6/2024 có 797.792 người, chủ yếu là dân tộc thiểu số (H Mông, Dao, Giấy...) chiếm 66,2% dân số.

Về điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh những năm qua có nhiều phát triển, tuy nhiên tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 14,94%; cận nghèo là 10,25%. Đặc điểm khí hậu, thời tiết của tỉnh rất phức tạp, diễn biến thất thường, hay xảy ra mưa to, lũ quét; các bệnh truyền nhiễm cón khá phổ biến, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng và có xu thế trẻ hóa; nhận thức về tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân tộc thiểu số, vùng cao còn hạn chế.

2. Tổ chức mạng lưới y tế cơ sở

Toàn tỉnh có 09 trung tâm y tế huyện/thị xã/TP thực hiện chức năng về y tế dự phòng, quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn; 09 BVĐK huyện/thị xã/TP với tổng số 1.990 giường bệnh (GB), quản lý 32 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) với 325 GB. Có 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 760 GB (5GB/trạm).

3. Nhân lực y tế cơ sở

Nhân lực y tế ngành (bao gồm Sở Y tế và 29 đơn vị sự nghiệp): 4.091 người (918 bác sỹ, 175 dược sỹ đại học), trong đó y tế cơ sở: 2.587; tuyến huyện: 1.691 (bác sỹ: 460, dược sỹ đại học: 77); tuyến xã: 896 (bác sỹ: 41, dược sỹ đại học: 23).

Số trạm y tế có bác sỹ định biên: 41/152 (26,9%), bác sỹ luân phiên về TYT theo Đề án 1816 của Bộ Y tế: 63/152 (41,4%); 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% trạm y tế có cán bộ chuyên trách công tác YHCT.

Tổng số nhân viên y tế thôn, bản: 1.092/1.215 tổng số thôn bản (đạt 90,37%), trong đó: Trình độ trung cấp trở lên: 118/1.092 (10,8%); y sỹ, điều dưỡng, về hưu: 4; đào tạo 12 tháng: 129 (11,8%); đào tạo 9 tháng: 415 (38%); đào tạo 6 tháng: 130 (11,9%); đào tạo 3 tháng: 270 (24,7%); 1 tháng: 30 (2,7%).

Có 138/152 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế (90,7%).

4. Công tác đào tạo

Trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, cử nhiều cán bộ đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn. Giai đoạn 2021- 2023 đã đào tạo 197 BS sau đại học (Tiến sỹ/chuyên khoa II: 15; thạc sỹ/chuyên khoa I: 182) bác sỹ được đào tạo theo Đề án 585: 33. Ngành y tế đã chủ động cử cán bộ tham gia các loại hình đào tạo tại chỗ, đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc nhằm nâng cao năng lực cán bộ.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã han hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 ban hành Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 18/2023/HĐND ngày 08/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, chính sách đã hỗ trợ lớn cho phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở của tỉnh.

5. Cơ sở hạ tầng tế cơ sở

Cơ sở vật chất y tế tuyến huyện được đầu tư đã lâu, thời gian sử dụng từ 15-25 năm (BVĐK huyện Văn Bàn xây năm 1997, nâng cấp năm 2011; BVĐK huyện Bắc Hà xây năm 1995, nâng cấp năm 2008; BVĐK huyện Bát Xát xây mới năm 1992, nâng cấp năm 2010...), quy mô đến nay đã lỗi thời, xuống cấp và không còn đáp ứng. Có 4/9 trung tâm y tế (TTYT) đã được xây cơ sở riêng: Trung tâm Y tế thị xã Sa Pa (2013), huyện Mường Khương (2019), TTYT Thành phố Lào Cai (mới được sửa chữa) và TTYT huyện Si Ma Cai; còn lại 5/9 TTYT đang hoạt động lồng ghép. Có 18 PKĐKKV đã được xây kiên cố; tuy nhiên còn thiếu các hạng mục phụ trợ (tường bao, nhà để xe...).

Có 146/152 trạm y tế đã được đầu tư xây dựng theo thiết kế định hình của UBND tỉnh; có 11 trạm y tế hoạt động lồng ghép với PKĐKKV. Hiện còn 6 trạm y tế chưa được đầu tư trụ sở, trong đó 4 trạm y tế phường Sa Pả, Phan Si Păng, Ô Quý Hồ, Cầu Mây - thị xã Sa Pa (do mới thành lập năm 2019 theo Nghị quyết 767/NQ-UBTVQH 14 về thành lập thị xã Sa Pa); Trạm y tế phường Duyên Hải (TP Lào Cai), Trạm y tế thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát). Nhiều trạm y tế đã có biểu hiện xuống cấp (dột, thấm mốc tường, hỏng cửa, bong tróc...) cần đầu tư sửa chữa hoặc nâng cấp.

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất y tế. Tuyến huyện xây mới 7/9 bệnh viện, gồm BVĐK các huyện Mường khương, Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Si Ma Cai; trong đó BVĐK huyện Mường Khương đã bàn giao đưa vào sử dụng ngày 30/3/2024; các bệnh viện còn lại đều được thi công đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong Quí IV/2024 và Quí I/2025. Xây mới trung tâm y tế các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà, Si Ma Cai; dự kiến hoàn thành trong quí IV/ 2024. Các dự án nâng cấp Phòng khám ĐKKV gồm: PK Tằng Lỏng huyện Bảo Thắng; Sín Chéng, Cán Cấu (Si Ma Cai) và PK Mường Bo (Sa Pa). Các dự án xây mới trạm y tế xã có TYT Bản Liền, Lùng Phình (Bắc Hà); sửa chữa 14 trạm y tế (Bảo thắng: 04, Văn Bàn: 12).

6. Trang thiết bị y tế cơ sở

Các trang thiết bị (TTB) y tế được mua sắm từ nguồn ngân sách hằng năm và từ các dự án hỗ trợ: Dự án hỗ trợ y tế 7 tỉnh miền núi phía Bắc; Chương trình phòng chống HIV/AIDS; Dự án GAVI, Dự án HPET...

Năm 2020-2021, UBND tỉnh đã cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, số tiền 128,9 tỷ đồng và được tài trợ từ Bộ Y tế, các dự án (các thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy đo thân nhiệt, ô xy…). Năm 2023, cấp từ ngân sách tỉnh kinh phí 170 tỷ; năm 2024 được cấp 190 tỷ cho các bệnh viện để mua sắm TTB y tế.

Giao Sở Y tế triển khai gói thầu mua sắm TTB cho các bệnh viện tuyến huyện từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, kinh phí 56 tỷ đồng.

Nhìn chung, các TTB cơ bản đáp ứng chức năng nhiệm vụ. Các bệnh viện tuyến huyện có các TTB đáp ứng các dịch vụ cơ bản. Các PKĐK khu vực chủ yếu là thiết bị thông thường; các trạm y tế tuyến xã chưa đầy đủ danh mục theo Thông tư số 28/2020/TT-BYT ngày 31/21/2020 của Bộ Y tế.

7. Kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyên môn

[...]