Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Kế hoạch 331/KH-UBND năm 2022 tiếp tục thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 331/KH-UBND
Ngày ban hành 05/10/2022
Ngày có hiệu lực 05/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 331/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 83/2017/NĐ-CP NGÀY 18/7/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Thực hiện Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 12 tháng 9 năm 2022 về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi tắt là Nghị định 83/2017/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác cứu nạn, cứu hộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đối với công tác cứu nạn, cứu hộ; chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố tai nạn có thể xảy ra trong hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ; xác định công tác cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và được tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn, nhằm loại trừ nguyên nhân điều kiện gây ra sự cố, tai nạn; phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ; giúp cho người dân có ý thức về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi làm việc tại các cơ sở lưu trữ, sản xuất, kinh doanh có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ cao, để tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng tại chỗ.

- Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc tỉnh, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn; chú trọng kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người trực tiếp thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.

2. Củng cố kiện toàn, xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy (lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và tổ chức thực tập các phương án cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng, biện pháp tổ chức thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ; tổ chức thường trực sẵn sàng về lực lượng, phương tiện 24/24 , để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn thuộc phạm vi, trách nhiệm được phân công.

3. Điều tra, rà soát nắm chắc các điều kiện, nguồn lực của Tỉnh có thể huy động tham gia giải quyết sự cố, tai nạn và có phương án, quy chế huy động phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các tình huống xảy ra ; rà soát các biện pháp phòng ngừa sự cố tai nạn đối với nhà, công trình, địa điểm, phương tiện, thiết bị hiện hữu như: Nhà nhiều tầng; khu vực dễ xảy ra đuối nước; sạt lở ven sông; nơi chứa hóa chất độc hại; phương tiện giao thông tham gia kinh doanh vận tải hành khách; chất, hàng hóa nguy hiểm dễ cháy, chất nổ, chất độc hại, làm cơ sở phục vụ nghiên cứu, đầu tư phát triển nâng cao năng lực về công tác cứu nạn, cứu hộ theo định hướng phát triển của Tỉnh.

4. Tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, nhất là lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở và phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cứu nạn, cứu hộ cho cá nhân và hộ gia đình. Thực hiện và duy trì tốt các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn và các điều kiện đảm bảo an toàn về cứu nạn, cứu hộ đúng quy định pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn trên từng lĩnh vực phù hợp.

5. Đảm bảo về lực lượng, phương tiện, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Chủ động trong điều hành, xây dựng các phương án huy động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống sự cố, tai nạn xảy ra; thường xuyên tổ chức thực tập, diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, khu dân cư.

6. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ, tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố, tai nạn, các điều kiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

7. Tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung và công tác cứu nạn, cứu hộ nói riêng; quan tâm đầu tư cho công tác cứu nạn, cứu hộ, nhất là thực hiện tốt các chế độ chính sách theo quy định; chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp doanh trại, mua sắm trang bị các loại phương tiện, thiết bị, dụng cụ, phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia tự quản phòng cháy, chữa cháy”; “Điểm chữa cháy công cộng” rộng khắp trên địa bàn Tỉnh.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Các sở, ngành Tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phù hợp.

- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, tai nạn đối với công trình, địa điểm, phương tiện, thiết bị trong phạm vi phụ trách, quản lý; phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ và duy trì nghiêm túc các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

- Chỉ đạo, tổ chức việc tự kiểm tra định kỳ, đột xuất các điều kiện, biện pháp, phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn phòng cháy, nổ, sự cố, tai nạn đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý; nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót được phát hiện, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Chỉ đạo củng cố, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tập trung kiện toàn đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, đội dân phòng; đảm bảo tốt các chế độ chính sách, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, phương tiện hoạt động và việc thường trực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, đội dân phòng theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo, tổ chức việc xây dựng, phê duyệt và thực tập, diễn tập phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ theo quy định; thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các kế hoạch, phương án đã được xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.

- Tập trung đầu tư kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là kinh phí phục vụ tuyên truyền, trang bị phương tiện, duy trì hoạt động và bồi dưỡng, huấn luyện cho lực lượng tại chỗ và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh có liên quan. Nghiên cứu thực hiện xã hội hóa kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định pháp luật.

- Rà soát, thống kê các phương tiện có thể điều động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý. Cần có quy chế, giao ước cụ thể với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc huy động phương tiện, để đảm bảo triển khai kịp thời, nhanh chóng khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

- Thủ trưởng các sở, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu các cơ sở, phải nắm chắc và thực hiện nghiêm túc vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ngay từ giai đoạn ban đầu, đối với các vụ việc xảy ra trên địa bàn quản lý.

- Đảm bảo tốt việc đề ra các chương trình, kế hoạch công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; việc lập hồ sơ theo dõi, quản lý; chế độ thông tin, báo cáo và sơ kết, tổng kết công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi phụ trách, quản lý.

2. Công an Tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt và theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Tỉnh.

[...]