Kế hoạch 330/KH-UBND năm 2022 về tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 330/KH-UBND
Ngày ban hành 16/12/2022
Ngày có hiệu lực 16/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 330/KH-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CHỢ HOA XUÂN PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thực hiện Kế hoạch số 116-KH/TU ngày 17/11/2022 của Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của Thành phố; Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08/12/2022 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện trưng bày, giới thiệu cây, hoa, quả cảnh, các sản phẩm hàng Tết và các sản phẩm làng nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của nhân dân, du khách đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đảm bảo an toàn, trật tự, văn minh đô thị, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tổ chức các chợ hoa xuân trên địa bàn Thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của nhân dân Thủ đô và khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn Thành phố.

- Chợ hoa xuân tổ chức tại các địa điểm được UBND Thành phố phê duyệt, phải đảm bảo các yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường, việc thu tiền thuê diện tích kinh doanh và trông giữ phương tiện tại các chợ hoa phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

- Các chợ hoa xuân phải có biển tên, trang trí cờ, ánh sáng; bố trí nơi làm việc và số điện thoại của đơn vị quản lý chợ hoa để liên hệ giao dịch, kịp thời giải quyết các sự cố; dành diện tích phù hợp để làm nơi trông giữ phương tiện cho khách đến tham quan, mua sắm; có bố trí khu vực vệ sinh công cộng.

- Đơn vị quản lý phải trang trí, bố trí khu vực chợ và sắp xếp hoa, cây cảnh và các ngành hàng, mặt hàng hợp lý, thuận tiện cho việc mua sắm của nhân dân, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô và đảm bảo văn minh thương mại, mỹ quan đô thị.

II. NỘI DUNG

1. Địa điểm, số lượng, qui mô hoạt động: Tổ chức 91 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn Thành phố, chi tiết tại danh sách kèm theo.

2. Thời gian hoạt động: Từ ngày 01/01/2023 (tức ngày 10 tháng 12 Âm lịch) đến 20h00’ ngày 21/01/2023 (tức ngày 30 tháng 12 Âm lịch).

3. Sản phẩm trưng bày:

- Các loại cây, hoa, quả cảnh.

- Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống và sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.

4. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn xã hội hóa và ngân sách của các quận, huyện, thị xã.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Công khai danh sách các địa diêm và tổ chức tuyên truyền về Kế hoạch tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai phương án quản lý, sắp xếp hoạt động chợ hoa xuân trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc tổ chức, quản lý và hoạt động của các chợ hoa xuân phục vụ Tết trên địa bàn theo quy định; tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố tình hình và kết quả thực hiện.

2. Sở Giao thông vận tải: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và danh sách chợ hoa xuân được phê duyệt chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội xây dựng Kế hoạch và thực hiện tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các khu vực tổ chức chợ hoa.

3. Công an Thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và danh sách chợ hoa xuân được phê duyệt, xây dựng và tổ chức triển khai các giải pháp phân luồng giao thông, phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, ùn tắc giao thông tại các khu vực tổ chức chợ hoa, bao gồm cả các giải pháp tình thế đặc biệt.

4. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường: Căn cứ danh sách chợ hoa xuân được phê duyệt, chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai phương án chiếu sáng, thu dọn rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại các địa diêm tổ chức chợ hoa xuân.

5. UBND quận, huyện, thị xã:

- Bố trí hoạt động các chợ hoa đã được phê duyệt cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ mép đường giao nhau để đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch, thành lập đơn vị quản lý (Ban Quản lý hoặc Tổ quản lý) chợ hoa và tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động của chợ hoa xuân trên địa bàn đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch và danh sách các địa điểm tổ chức chợ hoa xuân UBND Thành phố phê duyệt.

- Xây dựng phương án triển khai, bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ, sắp xếp vị trí và hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra hoạt động của các chợ hoa đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường. Lưu ý: bố trí các điểm trông, giữ phương tiện giao thông cách khu vực tổ chức chợ hoa xuân tối thiểu 100 mét (không bố trí trông giữ phương tiện dưới lòng đường).

- Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng (Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông...) tổ chức, quản lý tốt các chợ hoa xuân phục vụ nhân dân mua sắm trong dịp Tết đảm bảo “An toàn - Văn minh - Hiệu quả” trong suốt thời gian tổ chức; kiên quyết giải tỏa các tụ điểm họp chợ hoa tự phát, trái phép.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Công Thương tổng hợp chung, đề xuất báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

[...]