Kế hoạch 33/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 33/KH-UBND
Ngày ban hành 26/03/2019
Ngày có hiệu lực 26/03/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01/01/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021(sau đây gọi tắt là Nghị quyết 02/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyến Quang ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Thực hiện các Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành: Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/5/2016; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 28/02/2017; Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 30/5/2018 để thực hiện; đồng thời ban hành Chương trình hành động số 06/CT-UBND ngày 28/6/2016 thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo lộ trình, mục tiêu đã đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 đạt 63,01 điểm, đứng thứ 5 khu vực miền núi phía Bắc và đứng thứ 34 cả nước. Tỉnh đã mời gọi, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng đến khảo sát lập quy hoạch chi tiết các dự án và đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Việt Nam,… Đến hết năm 2018, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.518 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 14.825,71 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Tuyên Quang còn tồn tại, hạn chế như: một số sở, ban, ngành địa phương chưa thực sự quyết liệt và chủ động đưa ra các giải pháp để thực hiện; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp còn chậm; số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 còn ít, tỷ lệ thủ tục hành chính doanh nghiệp thực hiện đăng ký qua mạng còn thấp; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt ở một số lĩnh vực còn hạn chế.

B. MỤC TIÊU CỤ THỂ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ NĂM 2019, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021

- Phấn đấu giai đoạn 2019-2021, chỉ số Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh nằm trong danh sách 30 trên bảng xếp hạng PCI của cả nước.

- Hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh; phấn đấu đến hết năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 1.700 doanh nghiệp, đến năm 2021 có 2.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

- Tiếp tục nâng cao tỷ lệ giao dịch điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp; phấn đấu đến năm 2021, thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4.

- 100% các đơn vị công lập có thu phí trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện thu phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

C. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

I. Nhiệm vụ chung

- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đon vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương được phân công làm đầu mối theo dõi các Bộ chỉ số và nhóm chỉ số, chỉ số thành phần trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, xây dựng Kế hoạch thực hiện phù hợp với tỉnh; hoàn thành và công khai trên Trang thông tin điện tử của tỉnh, cơ quan trong quý I năm 2019, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về những Chỉ số thuộc lĩnh vực, chức năng của ngành.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh; chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm,…; định kỳ tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin, xử lý phản ánh của doanh nghiệp thông qua đường dây nóng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh,... thể hiện tính năng động, nỗ lực đột phá của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các Chỉ số: PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index, DCI Tuyên Quang; coi trọng sự hài lòng của người dân trong công tác cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp,…

- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan cấp tỉnh, cơ quan cấp tỉnh với cấp huyện để giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường; kịp thời có những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp; xử lý kịp thời văn bản có nội dung không phù hợp, không đúng quy định gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

II. Nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan

1. Về phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị làm đầu mối theo dõi Bộ chỉ số, nhóm chỉ số thành phần thuộc trách nhiệm của tỉnh

1.1. Phân công cơ quan đầu mối theo dõi các Bộ chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

- Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF.

- Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF.

- Sở Công Thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF.

- Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của UN.

1.2. Phân công các đơn vị chủ trì tham mưu, chịu trách nhiệm theo dõi đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chỉ số Khởi sự kinh doanh và Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư (thuộc Bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB).

- Chi cục Hải quan chi nhánh tỉnh Tuyên Quang: Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới.

[...]