Kế hoạch 3264/KH-UBND phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 3264/KH-UBND
Ngày ban hành 03/08/2011
Ngày có hiệu lực 03/08/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3264/KH-UBND

Bến Tre, ngày 03 tháng 8 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2015

A. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH GIAI ĐOẠN 2009-2010

I. THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh và sẽ trở thành một trong những phương thức để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng;

Thực hiện Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010; ngày 10 tháng 9 năm 2009 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2009-2010. Sau thời gian triển khai kế hoạch, bước đầu đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức lợi ích của việc ứng dụng TMĐT cho cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương. Qua đó đã góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ứng dụng TMĐT cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TMĐT và nâng cao nhận thức cũng như năng lực ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong tỉnh.

Bến Tre có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trong đó, số doanh nghiệp có website khoảng 20% (chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản, sản phẩm từ dừa… nhưng chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin, sản phẩm của doanh nghiệp) và số doanh nghiệp có địa chỉ mail khoảng 52%. Phần lớn các doanh nghiệp đều thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng TMĐT nhưng chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức, chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Bến Tre chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp còn rất hạn chế, hầu hết chưa tham gia giao dịch ở các sàn giao dịch TMĐT mà chỉ giới thiệu hình ảnh, sản phẩm thông qua một website (đối với doanh nghiệp có website riêng) hoặc giao dịch qua email.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

- Lĩnh vực TMĐT tương đối mới, do đó thời gian đầu triển khai còn lúng túng.

- Các doanh nghiệp trong tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu theo phương thức truyền thống.

- Nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao; đồng thời, đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp còn thiếu, yếu nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Từ thực trạng trên cho thấy việc triển khai thực hiện các hoạt động theo các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng thể kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 là hết sức cần thiết, nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc ứng dụng TMĐT.

B. KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. MỤC TIÊU CHUNG

Nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

Căn cứ theo mục tiêu phát triển TMĐT Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và dựa trên nhu cầu và thực trạng phát triển TMĐT của tỉnh Bến Tre, phấn đấu đến năm 2015 TMĐT tỉnh Bến Tre đạt được các mục tiêu sau:

1. 100% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của TMĐT trong năm 2011.

2. Các doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), trong đó thúc đẩy phấn đấu:

- 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

- 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp;

- 50% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng (gọi tắt là website TMĐT) để mua bán các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

- 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh;

3. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành giao dịch TMĐT loại hình B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) hoặc B2B, trong đó:

- 80% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

- 40% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp;

- 20% doanh nghiệp tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT với loại hình B2C, trong đó:

[...]