Kế hoạch 326/KH-UBND năm 2024 tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu | 326/KH-UBND |
Ngày ban hành | 09/10/2024 |
Ngày có hiệu lực | 09/10/2024 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Nguyễn Sơn Hùng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 326/KH-UBND |
Đồng Nai, ngày 09 tháng 10 năm 2024 |
Trên cơ sở kiến nghị tại Báo cáo số 977/BC-BYT ngày 06/8/2024 của Bộ Y tế về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Y tế năm 2024. Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ kỷ cương pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự; tạo môi trường ổn định, an toàn, yên tâm trong công tác khám bệnh, chữa bệnh của đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, tiến tới xây dựng ngành y tế thông minh, hiện đại góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện như sau:
1. Tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và quần chúng Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tạo môi trường an toàn, yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, y bác sỹ đang thực hiện nhiệm vụ, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản, cò mồi tại các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân; nâng cao giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong môi trường làm việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
3. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; phát động mạnh mẽ “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; củng cố, duy trì, phát huy hiệu quả và huy động đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm tại các cơ sở y tế.
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật (PCTP và VPPL) cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài để góp phần ổn định và phát triển toàn diện của ngành y tế. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an về công tác PCTP và VPPL; Kế hoạch số 360/KH-BCĐ ngày 18/01/2023 của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2023 và Kế hoạch số 18/KH-BCĐ ngày 15/01/2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2024; Thông báo Kết luận số 38/TB-VPCP ngày 02/02/2024 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch số 360/KH-BYT ngày 16/03/2023 của Bộ Y tế về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2023 và Kế hoạch số 331/KH-BYT ngày 20/03/2024 của Bộ Y tế về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2024. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai đến các đơn vị trực thuộc, các cơ sở y tế tư nhân thực hiện tốt các văn bản liên quan và quy chế chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đề nghị các sở, ban, ngành, các cơ quan phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới trong toàn ngành y tế.
2. Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, gắn với việc triển khai thực hiện Quyết định số 1944/QĐ- TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, chú trọng các phương án, kế hoạch, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm; Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP; Luật Khám bệnh, chữa và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác quản lý đối với các cơ sở y tế.
3. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế, người lao động trong ngành y tế phối hợp với chính quyền, công an địa phương để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ an ninh trật tự tại từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp số 4916/QCPH-SYT-CAT ngày 17/11/2017 giữa Sở Y tế và Công an tỉnh về quy chế phối hợp công tác đảm bảo an ninh, trật tự lĩnh vực y tế.
4. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các cơ sở y tế; theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP Trung ương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCTP và VPPL; tham gia góp ý xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán nội tạng, đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.
5. Tiếp tục triển khai các kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2024, lồng ghép kiểm tra công tác PCTP và VPPL trong các đoàn thanh tra, kiểm tra và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, ngừa vi phạm về môi trường y tế; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, hành nghề không phép; phòng ngừa vi phạm pháp luật về việc hiến bộ phận cơ thể người; mua, bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ trái quy định tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất trong lĩnh vực y tế nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe của Nhân dân.
6. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra thực phẩm giả, hàng nhái, hàng xách tay, thương mại điện tử, hàng lậu trên địa bàn tỉnh; xử lý cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả, tội phạm về an toàn thực phẩm. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia năm 2024.
7. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nội dung Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, hoạt động cho vay trong các giao dịch dân sự trái với quy định của pháp luật. Tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi trong thời gian qua để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người lao động trong ngành Y tế không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, tài chính để vi phạm pháp luật.
8. Triển khai kế hoạch hoặc các văn bản chỉ đạo về phòng, chống tội phạm đến các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp với chính quyền, công an địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trên toàn địa bàn cũng như trong cơ sở y tế:
a) Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với cơ quan công an địa phương phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm tại các cơ sở y tế, những nơi có mật độ người dân đến khám bệnh, chữa bệnh nhiều, cảnh báo người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế đề cao cảnh giác với các đối tượng lợi dụng việc cho tặng mô, tạng để mua bán trái phép bộ phận cơ thể người, “cò” bệnh viện, “cò” mua bán máu, mua bán trẻ em, phụ nữ, bộ phận cơ thể người, các trường hợp cho - nhận con nuôi và mang thai hộ trái quy định, nhất là tại các cơ sở khám chữa bệnh có khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Nhi và khoa Huyết học.
b) Quán triệt ý nghĩa, vai trò quan trọng và nội dung Quyết định số 793/QĐ-TTg 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai quyết liệt các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về phòng, chống tội phạm.
1. Giao Sở Y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chăm sóc, sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong phạm vi, quản lý của ngành, lĩnh vực.
b) Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tổ chức thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân đến thăm khám và điều trị bệnh; tăng cường các biện pháp về an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế.
c) Tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm trên các phương tiện, hệ thống âm thanh nội bộ để nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân người bệnh chủ động nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm ngay tại cơ sở y tế trong khoảng thời gian thích hợp của từng đơn vị.
d) Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời về UBND tỉnh và Bộ Y tế về công tác phòng, chống tội phạm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Giao Công an tỉnh:
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm tại các cơ sở y tế.