Kế hoạch 3180/KH-UBND năm 2024 tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 3180/KH-UBND
Ngày ban hành 23/08/2024
Ngày có hiệu lực 23/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phan Văn Đăng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3180/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 23 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm qua các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực; để tiếp tục kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và thực hiện có hiệu quả công tác này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TU, ngày 15/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức (TPCTC), tội phạm xuyên quốc gia (TPXQG); sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và xem đây là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

2. Công tác phòng, chống TPCTC, TPXQG phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; trong đó, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Các cấp, các ngành cần quan tâm huy động đúng mức nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

3. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là TPCTC, TPXQG; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở.

4. Chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa, kiên quyết không để hình thành các băng nhóm TPCTC, TPXQG. Phấn đấu giảm 5% tỷ lệ phạm pháp hình sự so với năm trước; nâng tỷ lệ điều tra, triệt phá, vô hiệu hóa, làm tan rã các băng nhóm tội phạm thuộc diện đã được rà soát, lên danh sách; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án do các băng, nhóm gây ra đạt từ 75% trở lên, trọng án do các băng, nhóm gây ra đạt từ 90% trở lên.

5. Việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này gắn liền với các chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người…

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung

- Tổ chức quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và công tác TPCTC, TPXQG nói riêng[1], các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm gắn với công tác phòng, chống TPCTC, TPXQG, các hành vi lừa đảo qua mạng, góp phần phòng ngừa tội phạm.

- Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình tội phạm và tổ chức thực hiện ở ngành, địa phương mình; nhất là đối với chính quyền cấp xã; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tại địa phương; phát huy vai trò, năng lực chỉ đạo trong công tác phòng, chống tội phạm; đưa nội dung công tác phòng, chống tội phạm để đánh giá, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong các cuộc họp định kỳ của thôn, khu phố…

- Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng chuyên trách với các sở, ban, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trong đấu tranh phòng, chống TPCTC, TPXQG. Nâng cao năng lực, trình độ, có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ để đáp ứng tốt yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời trang cấp thiết bị, phương tiện cho các địa phương, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh với loại tội phạm này, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

- Thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đa dạng hóa các hình thức để Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với triển khai lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng và thực hiện chế độ, chính sách cũng như công tác bảo vệ hợp lý đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm.

- Đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, phương pháp tiếp cận, triển khai từ thủ công sang trực tuyến, tuyên truyền phòng, chống tội phạm theo hướng có mục tiêu tiếp cận, trọng tâm, có định hướng và gắn với các vụ án mới, thủ đoạn mới để thu hút sự quan tâm, nâng cao ý thức cảnh giác (lừa đảo, bắt cóc trẻ em, tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, đưa người nhập cảnh trái phép việc nhẹ lương cao, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, các vụ án kinh tế, môi trường…); tuyên truyền vận động Nhân dân giao nộp, thu hồi và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tội phạm và kéo giảm số vụ phạm tội.

- Củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ đạo về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, gắn với trách nhiệm quản lý từng địa bàn, lĩnh vực.

2. Công an tỉnh

- Xác định công tác phòng, chống TPCTC, TPXQG là nhiệm vụ quan trọng phải được thực hiện quyết liệt, kiên trì, liên tục, lâu dài với phương châm “bóp chết từ trong trứng”, làm tan rã băng nhóm ngay từ khi mới manh nha hình thành; đối với các băng nhóm đã hình thành phải bằng mọi biện pháp tập trung “đánh thẳng vào đối tượng cầm đầu”, “chặt đứt nguồn kinh tế nuôi dưỡng băng nhóm” để nhanh chóng triệt phá hoặc làm tan rã, không để tội phạm hoạt động.

- Nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa không gian mạng với đời thực liên quan đến hoạt động của tội phạm, tính tất yếu của sự chuyển hướng hoạt động của các loại tội phạm, nhất là TPCTC, TPXQG từ truyền thống sang sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng; xác định rõ trách nhiệm và đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi trạng thái công tác từ thủ công sang hiện đại với phương châm “Không đi sau tội phạm”; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tội phạm có tổ chức; công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của TPCTC, TPXQG; quản lý chặt chẽ các đối tượng tại địa bàn cơ sở, thường xuyên gọi hỏi, răn đe, kiểm danh, kiểm diện, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động phạm tội có tổ chức, các đối tượng ma túy, hình sự thường xuyên tụ tập đêm khuya hình thành băng, nhóm tự phát, tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, kịp thời xây dựng kế hoạch, phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh.

- Thường xuyên tuần tra, kiểm soát vũ trang tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp, tại các khu công nghiệp, địa bàn giáp ranh... để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra khép kín địa bàn.

- Chủ động rà soát số đối tượng đi nước ngoài nghi vấn tham gia các tổ chức tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tổ chức đánh bạc, đối tượng được giải cứu về Việt Nam nghi do bị dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng bức lao động thực hiện các hành vi phạm tội ở nước ngoài để đấu tranh, khai thác, thu thập thông tin.

- Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ trên các lĩnh vực, nhất là trên không gian mạng, góp phần phòng ngừa tội phạm; trọng tâm là: Tiến độ ứng dụng dữ liệu dân cư xác thực “làm sạch” thuê bao điện thoại di động và tài khoản ngân hàng; nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất xây dựng hành lang pháp lý và triển khai thực hiện chủ trương định danh các tài khoản trên không gian mạng.

- Xây dựng, triển khai các kế hoạch, chuyên đề, phương án đấu tranh với tất cả các loại TPCTC, TPXQG; rà soát lại các tiêu chí xác định băng nhóm và phân công, phân cấp nghiệp vụ trinh sát, điều tra theo từng hệ lực lượng để bổ sung, hoàn thiện phù hợp với sự chuyển hướng của tội phạm, nhất là các băng nhóm sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng; xác định các địa bàn trọng điểm, lĩnh vực mà TPCTC, TPXQG lợi dụng hoạt động để tập trung lực lượng chuyển hóa địa bàn, kiềm chế và làm giảm tình hình tội phạm đến mức thấp nhất.

- Tham mưu mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm về mua bán người, tín dụng đen, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, các Tháng cao điểm về phòng, chống ma túy, buôn lậu; phát động các phong trào thi đua trong phòng, chống tội phạm, nhất là TPCTC; xác định kết quả công tác phòng, chống tội phạm là một tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua.

- Tiếp nhận, điều tra, xác minh xử lý 100% tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến các băng, nhóm tố giác, tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng; những vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải kịp thời khởi tố để điều tra theo quy định; tập trung xác minh truy bắt các đối tượng truy nã.

- Tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 16/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Bình Thuận thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Củng cố, nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp phòng, chống tội phạm từ tỉnh đến cơ sở, nhất là lực lượng phòng, chống TPCTC, TPXQG theo hướng tập trung, chuyên sâu, xác định rõ trách nhiệm, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tập trung đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng cho công tác này; đồng thời, có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ để đáp ứng tốt yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ