Kế hoạch 31/KH-UBND năm 2017 về tăng cường công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 31/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2017
Ngày có hiệu lực 14/02/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CAI NGHIỆN VÀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; ý kiến của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại Công văn số 331/PCTNXH-CS06 ngày 04/7/2016 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 09/3/2012 của UBND Thành phố tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức điều trị, theo hướng tăng dần số người điều trị tại cộng đồng và khuyến khích tự nguyện cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Với các giải pháp toàn diện, kiên trì, xác định điều trị lâu dài, liên tục, tăng cường chất lượng cung cấp các dịch vụ, tư vấn, tạo việc làm, kết hợp giảm hại của sử dụng ma túy và dự phòng hạn chế lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân và gia đình người nghiện trong việc vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện theo các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tại các cơ sở cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện phòng chống tái nghiện.

b) Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp từ xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

c) Chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện phù hợp Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chữa bệnh, tư vấn, giáo dục, phòng, chống thẩm lậu, tiêu cực, chống đánh nhau, bạo loạn và tổ chức trốn tập thể, gây mất an ninh trật tự trong các cơ sở cai nghiện. Tăng cường dạy nghề, lao động sản xuất, củng cố cơ sở vật chất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của học viên, giúp họ có cơ hội tìm được việc làm khi về cộng đồng.

d) Đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nâng cao chất lượng các hoạt động cắt cơn, giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm và quản lý, hỗ trợ sau cai tại cộng đồng.

đ) Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình quản lý sau cai nghiện ở xã, phường, thị trấn.

e) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

3. Chỉ tiêu chủ yếu

a) Phấn đấu đến năm 2020, tổ chức cai nghiện cho 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các biện pháp, hình thức phù hợp. Cụ thể: Tổ chức điều trị, cai nghiện cho 17.700 lượt người nghiện ma túy: Cai nghiện ma túy bắt buộc cho 2.500 người; cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện cho 8.000 lượt người; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cho 6.000 lượt người, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng 1.200 lượt người.

b) 100% người hoàn thành cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp.

c) Duy trì hoạt động từ 15 - 40 Câu lạc bộ quản lý sau cai (B93) phấn đấu 80% Câu lạc bộ có số buổi và thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiệu quả.

d) 100% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề; 50% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm và tạo việc làm. Cụ thể: dạy nghề cho 1.200 người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng; các địa phương hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 100 người sau cai nghiện.

đ) 100% cán bộ làm công tác quản lý, trực tiếp làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện và xã, phường, thị trấn được tập huấn, đào tạo cơ bản và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình và bản thân người nghiện trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác cai nghiện phục hồi.

3. Chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy. Phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai; lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế - xã hội khác như xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm...

4. Xây dựng mạng lưới các cơ sở cai nghiện đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu cai nghiện ma túy của người nghiện ma túy. Phát triển cơ sở cai nghiện ngoài công lập, đa dạng hóa các loại hình điều trị theo định hướng của Chính phủ.

5. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm theo chỉ đạo của Trung ương.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ số giám sát, đánh giá, báo cáo về công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; định kỳ đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện, điều chỉnh nội dung, biện pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao kết quả, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy

[...]