Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3074/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 3074/KH-UBND
Ngày ban hành 28/08/2021
Ngày có hiệu lực 28/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3074/KH-UBND

Kon Tum, ngày 28 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 86/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 8 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 NGÀY 28 THÁNG 7 NĂM 2021 CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

Căn cứ Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Nhằm tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và năm 2022 của tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình.

- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân, với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH

1. Về áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh COVID-19

Căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐ ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum[1], Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn”; trong đó lưu ý:

a) Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội (nếu có) phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, của tỉnh, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các sở, ngành, UBND các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.

b) UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND huyện, thành phố báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước khi áp dụng.

Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an địa phương tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ này.

c) Các địa phương khi có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: Trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

d) Trong trường hợp nếu có áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

2. Về công tác y tế

Sở Y tế bám sát diễn biến dịch trong tỉnh, các tỉnh cả nước và trên thế giới, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn phù hợp trên địa bàn tỉnh. Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và dễ đánh giá; phải nêu rõ những điểm bắt buộc thực hiện (cứng) và những điểm có tính nguyên tắc để trên cơ sở đó các địa phương nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và vận dụng sáng tạo.

a) Về xét nghiệm:

- Sở Y tế cập nhật, bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí. Hướng dẫn, khuyến nghị, khuyến cáo về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm để các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động mua sắm. Sở Y tế tổ chức mua sắm tập trung các vật tư, thiết bị cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.

- Chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

- Các địa bàn thực hiện phong tỏa (nếu có) cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất, không để lây lan ra cộng đồng.

b) Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19:

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị. Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị ô-xy y tế (nhất là hệ thống ô-xy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, ô xy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.

[...]