Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 307/KH-UBND
Ngày ban hành 18/09/2018
Ngày có hiệu lực 18/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 22/CT-TTG NGÀY 07/8/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt Chỉ thị số 22/CT-TTg) về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và Văn bản số 6115/BNN-TCTL ngày 10/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg; sau khi xem xét đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1714/SNN-TL ngày 11/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với một số nội dung trọng tâm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phân rõ trách nhiệm cho chính quyền các cấp, thủ trưởng các đơn vị được giao trực tiếp quản lý các hồ chứa; thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn đập và hồ chứa nước.

2. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của các địa phương, đơn vị được giao quản lý các hồ chứa nước trong việc huy động nguồn lực để thực hiện đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý, vận hành, quản lý và khai thác các hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu một cách bền vững và có hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn cho tất cả các đập, hồ chứa nước trên địa bàn; xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; đặc biệt phải xây dựng được phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn cao; tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

2. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các đập, hồ chứa nước. Phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư xây dựng các đập, hồ chứa nước.

3. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

4. Huy động mọi nguồn lực cấp tỉnh, huyện và xã, quỹ phòng, chống thiên tai để thực hiện các nội dung trong Kế hoạch và thực hiện các quy định khác của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ thủy lợi; chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa, lũ hàng năm.

5. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng xây dựng công trình đối với hoạt động đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước do cấp huyện, xã và doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư.

6. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đặc biệt là đối với các đập, hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, các đập, hồ chứa thủy điện do tư nhân đầu tư, quản lý; tăng cường việc thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.

7. Rà soát, chấn chỉnh việc kê khai đăng ký an toàn đập; lập, phê duyệt và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; xây dựng quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; thực hiện cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước.

8. Tổ chức xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy tối đa năng lực các hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn vị được phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi lợi trên địa bàn: Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa nước thủy lợi, trên cơ sở đó xây dựng phương án và huy động các nguồn lực để tổ chức khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn cho công trình, đặc biệt là các hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao; lập, thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho từng hồ chứa và vùng hạ du hồ chứa nước cụ thể để tổ chức thực hiện; tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá và phương án đảm bảo an toàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo thẩm quyền.

- Củng cố, hoàn thiện, nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý công trình hồ chứa trên địa bàn quản lý.

2. Các Công ty: TNHH một thành viên thủy lợi, Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh, Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, Cổ phần Thủy điện Hương Sơn, Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi

- Rà soát, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa nước thuộc đơn vị quản lý, lập báo cáo và gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với hồ chứa thủy lợi), Sở Công Thương (đối với hồ chứa thủy điện); xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và huy động các nguồn lực để tổ chức khắc phục, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

- Tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước để tổ chức thực hiện; tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu.

- Rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa các công trình an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy trình vận hành cho các hồ chứa chưa được xây dựng hoặc bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du.

- Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo đúng quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.

[...]