Kế hoạch 306/KH-UBND về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 306/KH-UBND
Ngày ban hành 22/01/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Phan Trọng Tấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 306/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

- Đảm bảo chủ động, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thông qua đó tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Xác định rõ trách nhiệm và nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị trong việc tham gia tổ chức, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

2. Yêu cầu

- Thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; công khai, minh bạch, hiệu quả.

- Kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với việc thực hiện các chương trình, đề án có liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp

- Nội dung thực hiện: Rà soát văn bản QPPL của trung ương, văn bản của tỉnh; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL liên quan đến doanh nghiệp nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn tại địa phương.

- Cơ quan chủ trì: Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị.

- Cơ quan phối hợp: Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh; các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Cả năm.

2. Cập nhật, khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật

- Nội dung thực hiện: Rà soát, cập nhật kịp thời văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện và của các sở, ban, ngành.

- Cơ quan chủ trì: Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng HĐND, UBND tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Cả năm.

3. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Nội dung thực hiện: Tổ chức hội nghị hoặc hội thảo, tọa đàm để bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Sở, ban, ngành; các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Quý III năm 2020.

4. Tiếp nhận kiến nghị, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp

- Nội dung thực hiện: Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp báo cáo UBND tỉnh; giải đáp theo yêu cầu của doanh nghiệp bằng văn bản; thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

[...]