Kế hoạch 2969/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 2969/KH-UBND
Ngày ban hành 08/09/2023
Ngày có hiệu lực 08/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2969/KH-UBND

Kon Tum, ngày 08 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC KHÁM CHỮA BỆNH RĂNG HÀM MẶT VÀ DỰ PHÒNG BỆNH RĂNG MIỆNG CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 5628/QĐ-BYT ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (viết tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe răng miệng (CSSKRM), nâng cao năng lực khám chữa bệnh và quản lý sức khỏe răng miệng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dự phòng và sức khỏe răng miệng nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a. Kiện toàn, phát triển hệ thống CSSKRM, gắn kết các cơ sở khám, chữa bệnh với nhà trường và các tổ chức xã hội.

b. Nâng cao hoạt động chăm sóc và dự phòng các bệnh răng miệng.

c. Xây dựng và chuẩn hóa quy trình chuyên môn kỹ thuật Răng Hàm Mặt.

d. Phát triển năng lực khám, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị các bệnh Răng Hàm Mặt.

đ. Duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Ban Chỉ đạo) theo quy chế hoạt động ban hành tại Quyết định số 1206/QĐ-BCĐ ngày 26 tháng 4 năm 2023.

3. Một số chỉ tiêu cần đạt

TT

Tên chỉ số

Kết quả đến năm 2025

Kết quả đến năm 2030

1

Tổng số hoạt động truyền thông răng hàm mặt được triển khai (Chương trình Nha học đường, CSSKRM người cao tuổi, chăm sóc và dự phòng bệnh răng miệng)

3

5

2

Học sinh được tuyên truyền giáo dục sức khỏe răng miệng

50%

100%

3

Tổng số trường học tham gia hoạt động CSSKRM

100%

100%

4

Tổng số trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe răng miệng cho học sinh đầu năm học theo quy định.

70%

90%

5

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe răng miệng học sinh trong trường học.

80%

95%

6

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn để sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, theo dõi và thống kê, đánh giá về sức khỏe răng miệng học sinh trong trường học

80%

95%

7

Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi và CSSKRM

70%

90%

8

Tỷ lệ người dân khám răng miệng định kỳ

7%

10%

9

Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ CSSKRM

80%

80%

10

Số chương trình phối hợp giữa cơ sở điều trị răng hàm mặt với nhà trường được triển khai

1

1

11

Tổng số bệnh viện đa khoa có chuyên khoa răng hàm mặt (công lập và ngoài công lập)

3

3

12

Tỷ lệ bệnh răng miệng ở trẻ em dưới 6 tuổi, 6-8 tuổi, 12 tuổi, 15 tuổi:

 

 

- Tỷ lệ sâu răng sữa ở trẻ dưới 6 tuổi

Dưới 70%

Dưới 60%

- Tỷ lệ sâu răng sữa ở trẻ 6 -8 tuổi

Dưới 85%

Dưới 80%

- Tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn ở trẻ 12 tuổi

Dưới 50%

Dưới 35%

- Tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn ở trẻ 15 tuổi

Dưới 50%

Dưới 30%

- Tỷ lệ viêm lợi ở trẻ em

Dưới 50%

Dưới 40%

13

Tỷ lệ bệnh răng miệng ở người trưởng thành  theo các nhóm tuổi:

 

 

- Tỷ lệ sâu răng độ tuổi 18-34

Dưới 70%

Dưới 63%

- Tỷ lệ sâu răng độ tuổi 35-44

Dưới 70%

Dưới 60%

- Tỷ lệ sâu răng độ tuổi > 45

Dưới 70%

Dưới 60%

14

Tỷ lệ răng người cao tuổi có ít nhất 20 răng còn chức năng (trên 60 tuổi)

Đạt 60%

Đạt 60%

15

Tỷ lệ người dân được khám và điều trị các bệnh răng miệng

50%

50%

16

Tỷ lệ trung bình Bác sỹ Răng Hàm Mặt so với dân số

1/10.000 dân

1/10.000 dân

17

Giảm mức tiêu thụ đường trên đầu người

12 kg/ năm

12 kg/ năm

II. NỘI DUNG

1. Kiện toàn, phát triển hệ thống CSSKRM, gắn kết các cơ sở khám, chữa bệnh với nhà trường và các tổ chức xã hội

- Hàng năm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh răng miệng chủ động xây dựng mạng lưới hợp tác với các nhà trường và các tổ chức xã hội để phối hợp truyền thông, khám sàng lọc, CSSKRM.

- Xây dựng mạng lưới chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn giữa cơ sở công lập và ngoài công lập, giữa tuyến trên và tuyến dưới trong điều trị các bệnh răng miệng.

2. Nâng cao hoạt động chăm sóc và dự phòng các bệnh răng miệng

a. Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân

- Thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc và phát hiện sớm các bệnh liên quan tới răng hàm mặt, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và các kênh cung cấp thông tin.

- Xây dựng, cung ứng các tài liệu truyền thông liên quan tới CSSKRM.

- Chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị có thực hiện truyền thông, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng để lồng ghép nội dung CSSKRM trong các chương trình truyền thông.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ích lợi về chức năng, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống khi phát hiện và điều trị sớm ung thư miệng - hàm mặt.

- Truyền thông nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp và người dân về hiệu quả chăm sóc toàn diện dị tật vùng miệng - hàm mặt và lệch răng - hàm.

- Tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc toàn diện khe hở môi vòm miệng ngay từ giai đoạn kết hôn, bà mẹ mang thai, sau khi sinh, phẫu thuật môi - vòm miệng, ngữ âm trị liệu, nắn chỉnh răng và các phương pháp phẫu thuật chỉnh hình xương.

- Tuyên truyền về các yếu tố nguy cơ lệch lạc răng trẻ em, các phương pháp dự phòng và điều trị lệch lạc răng từ sớm.

- Tuyên truyền giáo dục nha khoa cho người cao tuổi và cho trẻ em.

[...]