Kế hoạch 2929/KH-UBND năm 2011 thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 2929/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2011
Ngày có hiệu lực 20/09/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2929/KH-UBND

Gia Lai, ngày 20 tháng 9 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở tình hình thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược như sau:

I. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG.

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội để chủ động phòng, chống và kiểm soát ma túy. Từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, không để ma tuý lây lan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức cai nghiện ma tuý theo hướng có hiệu quả, bền vững; hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra, tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

a) Giảm ít nhất từ 30% đến 40% số người nghiện ma túy so với hiện nay; phấn đấu đạt 85% số xã, phường, thị trấn không có ma tuý (hiện tại 68,98%); 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy.

b) 100% số người nghiện ma túy được phát hiện và quản lý; 90% số người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện và học nghề; 100% số người nghiện trong trại tạm giam, nhà tạm giữ được cai nghiện; giảm từ 10% - 15% tỷ lệ tái nghiện so với hiện nay.

c) Ngăn chặn không để ma tuý từ Campuchia vào nội địa; không để hình thành các tổ chức, đường dây, các tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma tuý trong nội địa và khu vực biên giới; không để xảy ra trồng, tái trồng cây có chứa chất ma tuý.

d) Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để sản xuất, chế biến trái phép ma túy ở địa phương.

3. Định hướng đến năm 2030:

a) Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đầu tư nguồn lực, tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, duy trì các mục tiêu đã đạt được và hướng tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, thu hẹp số xã, phường, thị trấn có ma túy.

b) Tiếp tục chủ động phòng ngừa, kiểm soát, không để ma tuý thẩm lậu qua biên giới; triệt phá và xoá bỏ tận gốc các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh.

c) Tập trung tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả đối với nhóm có nguy cơ cao về nghiện ma tuý để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện ma túy mới.

d) Loại bỏ hoàn toàn các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tái trồng cây có chất ma tuý.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP.

1. Nhiệm vụ:

a) Tuyên truyền phòng, chống ma tuý sâu, rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp; chú ý địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; kết hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy với hậu quả, tác hại của ma túy đến từng người dân, hộ gia đình.

b) Quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy; tổ chức cho tất cả người nghiện ma tuý được khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp; áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục người nghiện; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sau cai, phòng ngừa tái nghiện.

c) Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, xoá nhổ diện tích trồng cây có chứa chất ma túy; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để trồng cây có chứa chất ma tuý.

d) Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để phòng ngừa có hiệu quả việc sử dụng các chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hợp pháp vào hoạt động phạm tội về ma tuý.

đ) Chủ động nắm tình hình, tổ chức đấu tranh, triệt xoá các tổ chức, đường dây, tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý trái phép; phòng ngừa, ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới và sản xuất trái phép ma tuý trên địa bàn tỉnh.

e) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

2. Giải pháp:

2.1. Nhóm giải pháp về chính trị, xã hội:

a) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

- Tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy; nhất là Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Luật phòng, chống ma tuý và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý.

[...]