Kế hoạch 29/KH-UBND về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2020
Ngày có hiệu lực 24/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Phạm Vũ Hồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 24 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2020

Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN); Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 13/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCTN năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác đấu tranh PCTN; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN thời gian qua; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN.

2. Yêu cầu

Trong quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN, trên quan điểm lấy phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài; trước mắt tập trung xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng.

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện với kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu, quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng ngừa, chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN([1]).

2. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ.

Các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ theo quy định([2]); tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử, việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

3. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:

- Công khai minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật, nhất là công khai, minh bạch về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, tài sản công, các thủ tục hành chính, công tác tổ chức cán bộ... Việc thực hiện công khai phải đúng trình tự thủ tục, nội dung công khai thể hiện bằng văn bản cụ thể (quyết định, biên bản...). Đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh ngoài việc công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan mình còn phải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công khai, minh bạch các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện nghiêm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, phục vụ hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và nhà nước về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản; xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm các quy định về kê khai tài sản, thu nhập; thẩm định, xác minh về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trước khi đề bạt, bổ nhiệm và công khai đúng quy định; thực hiện các quy định về thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt, việc trả lương qua tài khoản đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Quán triệt thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; thường xuyên rà soát việc tặng quà và nhận quà, sử dụng tài sản công không đúng quy định, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền; kiểm soát xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; xử lý xung đột lợi ích khi có phát sinh.

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); Cải cách hành chính (PAR INDEX) và hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 tỉnh Kiên Giang và những năm tiếp theo.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành rà soát các vị trí cần phải chuyển đổi nhằm phòng ngừa tham nhũng, xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí theo đúng thời gian theo quy định.

4. Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm chỉ đạo rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao phụ trách còn chồng chéo, vướng mắc, không còn phù hợp nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng

a) Thanh tra tỉnh:

[...]