Kế hoạch 284/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 284/KH-UBND
Ngày ban hành 24/07/2020
Ngày có hiệu lực 24/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Quốc Vinh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 284/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 50/NQ-CP NGÀY 17/4/2020 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52-NQ/TW NGÀY 27/9/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CHỦ ĐỘNG THAM GIA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 50/NQ-CP) ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 52-NQ/TW), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể để các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch này phải đồng bộ với việc thực hiện Chương trình hành động số 2022-CTr/TU ngày 06/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 03/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 2022-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động tham gia tích cực có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số từ trong doanh nghiệp, xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Chương trình phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

- Xây dựng và phát triển đồng bộ các hệ thống cơ sở dữ liệu toàn tỉnh, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng, các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 25/7/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.

- Đào tạo nhân lực cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn, đảm bảo phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đến tận người dân.

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp, chính sách tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; Công nghiệp chế tạo thông minh; nông nghiệp số; du lịch số; Y tế-Giáo dục.

- Triển khai hạ tầng băng thông rộng tốc độ cao trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu của tỉnh, kết nối đồng bộ với các hệ thống trung tâm dữ liệu của vùng, quốc gia; đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu.

- Khai thác, sử dụng hiệu quả hạ tầng thanh toán số quốc gia, tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp; triển khai thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, Internet nhằm phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Nông nghiệp, tài chính ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo đến doanh nghiệp và các địa phương.

- Nghiên cứu, xây dựng các chính sách hội nhập quốc tế về đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ; khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tập trung nguồn lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt quan tâm tạo môi trường, hỗ trợ, hình thành và phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành các tổ chức trung gian, các nhóm khởi nghiệp sáng tạo. Thành lập và phát huy hiệu quả Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh.

- Phát triển thị trường khoa học công nghệ, nhất là kết nối cung cầu công nghệ để giúp doanh nghiệp tìm kiếm, đổi mới công nghệ phù hợp. Ươm tạo, thành lập và phát triển bền vững các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

- Phát triển tài sản trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.

- Tiếp cận, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung vào các ứng dụng thành tựu về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, công nghệ nano...

- Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế phục vụ việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hình thành và phát triển Quỹ khoa học công nghệ trong doanh nghiệp;

3. Sở Công thương

- Tập trung huy động các nguồn lực để từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của ngành công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn với chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu chung của tất cả các ngành, lĩnh vực. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với phát triển các sản phẩn sau thép, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp nông thôn.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong xuất nhập khẩu, bán hàng;

[...]