Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chương trình hành động 84-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2020
Ngày có hiệu lực 22/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 22 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 84-CTR/TU NGÀY 31/12/2019 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52-NQ/TW NGÀY 27/9/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH CHỦ ĐỘNG THAM GIA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 31/12/2019 của của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 50/NQ- CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ, Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 31/12/2019 của của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ, Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 31/12/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân, tăng cường quốc phòng, an ninh.

4. Nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

5. Các sở, ban, ngành và địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện, các nguồn lực cho việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới tư duy quản lý và sản xuất kinh doanh tạo bước đột phá với lộ trình phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội.

6. Xác định rõ vài trò của doanh nghiệp, người dân là trọng tâm trong quá trình chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhà nước có vai trò xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nhanh quá trình, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp, các nghiệp đoàn trong quá trình triển khai.

II. NỘI DUNG

1. Công tác tuyên truyền

Xây dựng các chuyên đề, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm.

Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Vĩnh Phúc là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, từng bước xây dựng đô thị thông minh.

2. Xây dựng một số chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

- Xây dựng các cơ chế chính sách về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.

- Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Xây dựng và triển khai thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm.

- Xây dựng các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các hệ thống thanh toán số. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới.

Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số.

- Đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo thích ứng với môi trường công nghệ liên tục phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng. Khuyến khích xây dựng các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.

- Khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ các ngành công nghệ ưu tiên thông qua đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; đặt hàng mua sắm công.

- Xây dựng chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước.

- Xây dựng cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách. Phát huy sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động của cơ quan Nhà nước và hoàn thiện sự tương tác toàn diện giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức tham gia của người dân trong phản biện chính sách.

3. Xây dựng chính quyền số, phát triển cơ sở hạ tầng chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

- Xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.

[...]