Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 282/KH-UBND năm 2023 triển khai Quyết định 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 282/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2023
Ngày có hiệu lực 16/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 16 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 569/QĐ-TTG NGÀY 24/5/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 4560/BYT-KCB ngày 20/7/2023 về xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất của Sở Y tế tại Tờ trình số 144/TTr-SYT ngày 01/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2022

I. THÔNG TIN CHUNG

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phía Bắc giáp Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Đông và Nam giáp Hà Nội, có diện tích tự nhiên là 1.236 km2. Tỉnh Vĩnh Phúc có 47% dân số sống ở đô thị và 53% dân số sống ở nông thôn với dân số 1.204.300 người, gồm người Kinh, Sán dìu, Sán chay, Cao Lan, Dao...., thu nhập bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng tương ứng 5.494 USD. Tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Yên Lạc.

Giai đoạn 2011-2022, hệ thống tổ chức cơ sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc được kiện toàn, đổi mới, phát triển ở cả y tế công lập và ngoài công lập.

Tính đến năm 2022, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có 151 cơ sở công lập:7 bệnh viện tuyến tỉnh (Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Sản - Nhi, Tâm thần, Y dược cổ truyền, Phục hồi chức năng, Giao thông vận tải) ,09 Trung tâm Y tế tuyến huyện, 136 Trạm y tế tuyến xã. Ngoài ra, còn có 1 Bệnh viện Bộ, ngành (Bệnh viện Quân y 109 với quy mô 300 giường bệnh)và 1 Bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Trung ương 74 với quy mô 495 giường bệnh).

Công tác xã hội hoá dịch vụ y tế phát triển mạnh với các phòng khám, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập, đã góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 318 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được cấp phép hoạt động, gồm: Các phòng khám đa khoa chiếm 6,45%; phòng khám chuyên khoa 23,7%; các phòng chẩn trị Y học cổ truyền 33,1%; các cơ sở dịch vụ y tế khác chiếm tỷ lệ 36,36%; Và 01 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt với quy mô 200 giường bệnh; Tính đến tháng 9/2023 toàn ngành có 6.038 cán bộ nhân viên, tuyến tỉnh là 3.468 người, tuyến huyện là 1.596 người, tuyến xã là 974 người. Số Bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập do ngành y tế quản lý là 1.468 người đạt tỷ lệ 11,9 bác sĩ/vạn dân (Tổng số bác sỹ kể cả tư nhân và bác sỹ của các Bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn là 1.797 người, tương đương 16,9 bác sỹ/vạn dân). Dược sĩ là 362 người đạt tỷ lệ 1,3 Dược sĩ đại học/vạn dân.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2022

1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh khóa XVII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong những năm qua Sở Y tế đã kịp thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy. Hệ thống y tế của tỉnh cơ bản được phát triển đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, nhân lực y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức của cán bộ y tế được cải thiện tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, bất cập; cơ sở vật chất một số đơn vị y tế xuống cấp, trang thiết bị chưa đồng bộ, khó khăn trong thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật theo phân tuyến, công tác đào tạo thu hút cán bộ giỏi còn hạn chế ở cả 3 tuyến, thiếu các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, cơ chế chính sách đãi ngộ chưa khuyến khích được các thầy thuốc có chuyên môn giỏi gắn bó lâu dài tại các cơ sở y tế công lập.

Việc triển khai kế hoạch Quốc gia phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2022 và Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Hệ thống khám chữa bệnh chuyên ngành phục hồi chức năng của tỉnh còn thiếu cơ chế kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến cơ sở, phối hợp và kiểm soát chất lượng, nhân lực ngành phục hồi chức năng chưa được bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết còn thiếu. Khả năng cung cấp các dụng cụ trợ giúp cũng như việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng tại các tuyến còn hạn hẹp, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả kinh phí, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng chưa được triển khai trong giai đoạn này.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 29/9/2020 về trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030.

2. Triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn rất hạn chế; chất lượng thông tin dữ liệu về người khuyết tật thiếu dữ liệu về cung cấp và sử dụng dịch vụ phục hồi chức năng của các tuyến, các ngành, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc các tuyến, các ngành.

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

- Kết quả về sàng lọc phát hiện sớm; dự phòng khuyết tật; quản lý điều trị và chăm sóc người khuyết tật (NKT): Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 20.602 NKT. Trong đó, NKT đặc biệt nặng 2.193 người; khuyết tật nặng 13.962; khuyết tật nhẹ 2.999. Phân theo dạng tật thì NKT vận động 8.111 người; khuyết tật nghe nói 1.354; khuyết tật nhìn 1.520; khuyết tật thần kinh 5.473; khuyết tật trí tuệ 2.394; khuyết tật khác 1.282. Những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã được trang bị thiết bị y tế với mục đích phục hồi chức năng cho người bệnh, tuy nhiên thiết bị phục vụ riêng cho đối tượng NKT như chân giả, tay giả, nạng chống… còn thiếu nhiều (Sở Lao động - Thương binh và xã hội Vĩnh Phúc (2021), Báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với người khuyết tật năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021)

- Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh và hồi phục chức năng trên địa bàn tỉnh gồm: Bệnh viện Phục hồi chức năng và khoa Phục hồi chức năng của các Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Y dược cổ truyền. Đối với các Trung tâm Y tế tuyến huyện khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền ghép làm một, 100% Trạm Y tế tuyến xã có nhân viên phụ trách PHCN. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, Bệnh viện phục hồi chức năng thường xuyên phải hoạt động trên cơ sở của đơn vị khác, trang thiết bị phục hồi chức năng được trang bị thêm, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhất là các trang thiết bị hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 730 giường phục hồi chức năng (giường thực kê). Riêng Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu Da cam/Dioxin và người tàn tật tỉnh trực thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã được đầu tư xây mới từ năm 2008 với tổng mức đầu tư xây lắp 8,0 tỷ đồng và hơn 7,0 tỷ đồng mua sắm hơn 70 danh mục trang thiết bị phục hồi chức năng. Trong 6 năm từ năm 2010 đến 2016, tại Trung tâm đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho hơn 5000 lượt người khuyết tật với hang chục loại danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

- Kết quả triển khai các phân tuyến kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT ngày 11/12/2013 và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế: Tại tuyến tỉnh bình quân các bệnh viện tuyến tỉnh được phê duyệt 81,3% kỹ thuật tại tuyến tăng 0,6% so với năm 2016; 29,7% kỹ thuật vượt tuyến; Tại tuyến huyện bình quân các đơn vị dược phê duyệt 70,4% kỹ thuật tại tuyến; 11,2% kỹ thuật vượt tuyến; tại tuyến xã bình quân kỹ thuật phê duyệt 82,4% kỹ thuật tại tuyến. Về kỹ thuật chuyên ngành PHCN: Tuyến tỉnh đạt 53.6 %, Bệnh viện Phục hồi chức năng có lượng kỹ thuật thực hiện được cao nhất cả tỉnh (94,04%), Bệnh viện Y dược cổ truyền có lượng kỹ thuật thực hiện được thấp nhất toàn tỉnh (22,22%),tuyến huyện đạt 56.72 % danh mục kỹ thuật PHCN theo phân tuyến. (Số liệu theo đề tài Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022.

4. Về nguồn nhân lực

- Về nhân lực y tế công tác trong ngành PHCN gồm có 115 bác sĩ, 55 kỹ thuật viên, 172 điều dưỡng và các cán bộ chuyên môn khác. Trong đó riêng Bệnh viện phục hồi chức năng có 30 bác sĩ, 22 kỹ thuật viên, 45 điều dưỡng.

- Nhân lực PHCN còn thiếu, nhất là các Bác sĩ, kỹ thuật viên ngành Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, thiếu nhân lực về phục hồi ngôn ngữ, phục hồi nhận thức, kỹ thuật viên chỉnh hình, kỹ thuật viên dụng cụ trợ giúp... chưa cung cấp được các dịch vụ PHCN theo cách tiếp cận đa ngành, toàn diện.

III. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Khó khăn, hạn chế

[...]